Doanh nghiệp

“Chìa khoá” giảm nhập siêu dịch vụ

Hạnh Lê 26/05/2025 11:20

Trong khi sản phẩm hàng hoá Việt Nam gần đây ghi nhận xuất siêu thì mảng thương mại dịch vụ, cán cân đang nghiêng về nhập siêu dịch vụ.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý 1/2025 kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt 2,0 tỷ USD chiếm 26,4% tổng kim ngạch và tăng 24,2%; dịch vụ du lịch đạt 4,2 tỷ USD chiếm 55,4% tổng kim ngạch và tăng 29,2% nhờ đón được số khách quốc tế đạt kỷ lục: hơn 6 triệu lượt khách.

Khách du lịch tăng mạnh đã góp phần tăng tiêu dùng về dịch vụ
Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 đạt mức kỷ lục đã góp phần tăng doanh thu dịch vụ du lịch

Ở chiều ngược lại, trong quý 1, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 9,22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt 3,73 tỷ USD chiếm 40,5% tổng kim ngạch và tăng 17,5%; dịch vụ du lịch đạt 3,4 tỷ USD chiếm 36,9% và tăng 30,8%.

Những con số thống kê trên cho thấy cán cân thương mại dịch vụ vẫn ghi nhận mức thâm hụt. TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) đã từng tính toán: giảm được 1% nhập siêu dịch vụ sẽ góp phần làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm. Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế về xuất khẩu dịch vụ ở các ngành như du lịch, logistics, vận tải biển, y tế... có khả năng đem lại giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam hiện gần như phụ thuộc vào các loại hình xuất khẩu tại chỗ như du lịch, các dịch vụ hỗ trợ vận tải trong khi dịch vụ tài chính, bảo hiểm, bưu chính viễn thông chiếm tỷ trọng quá nhỏ. Hay trong lĩnh vực y tế, việc thiếu những bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế đã làm giảm sức hút với khách hàng nước ngoài và khách trong nước. Theo ước tính sơ bộ, người Việt dành hơn 2 tỷ USD/năm ra nước ngoài chữa bệnh.

Là ngành “sáng giá” nhất nhưng du lịch trong nước chưa tận dụng hết lợi thế để thu hút dòng khách cao cấp đến từ các thị trường như Mỹ, châu Âu. Đây là nhóm khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày… Với khách du lịch trong nước, giá vé máy bay nội địa cao, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ đã khiến nhiều người Việt chọn du lịch nước ngoài.

Để cải thiện cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, bà Nguyễn Thu Oanh - Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, tập trung vào ngành chiếm tỷ trọng cao như du lịch, vận tải.

van tai
Các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ cần tập trung vào ngành chiếm tỷ trọng cao như du lịch, vận tải

Để gia tăng dịch vụ xuất khẩu du lịch cần đẩy mạnh cơ cấu ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng để tạo sức hút khách quốc tế đến Việt Nam và tăng cường đầu tư phát triển các ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch quốc gia. Trong đó, chú trọng vào các thị trường khách quốc tế có mức chi tiêu lớn và tăng cường tổ chức các hoạt động kích cầu để kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa, các sản phẩm du lịch xanh, giảm phát thải, du lịch liên vùng… phù hợp với thị hiếu và sở thích của nhóm khách ở thị trường có nhu cầu cao, chi trả lớn.

Đối với dịch vụ vận tải, cần tăng cường mở rộng, thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng, lãnh thổ, nhất là các thị trường có nhiều khách du lịch đến Việt Nam và nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, đường bộ, đường biển. Ngoài ra, thực hiện chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu dịch vụ để từng bước cân bằng cán cân thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng của các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, bưu chính viễn thông…

Bên cạnh các chính sách vĩ mô, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc hỗ trợ tài khoá và tín dụng cho các doanh nghiệp trong các ngành có thế mạnh về xuất khẩu dịch vụ. Điểm sáng được ghi nhận là việc Chính phủ tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT trong năm 2025 và 2026 để kích thích tiêu dùng dịch vụ nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ở cụ thể các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu cần có các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp để động lực lớn phát triển. Với các doanh nghiệp logistics, nguồn vốn hỗ trợ dài hạn với lãi suất phù hợp là nguồn lực đầu tư vào tàu biển và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, chính sách đặc thù về thuế và tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế góp phần thúc đẩy đầu tư vào thiết bị, công nghệ hiện đại và hạ tầng.

Hạnh Lê