Xử lý nghiêm doanh nghiệp bỏ giá “khủng” ở mỏ cát Quảng Nam
Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố vụ án liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát với giá trúng thầu hơn 370 tỉ đồng tại mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ, Thị xã Điện Bàn.
Theo thông tin phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp có được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu giá tài sản, liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát ĐB2B tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Đây là vụ việc nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, khi doanh nghiệp bỏ giá “khủng” lên đến hơn 370 tỉ đồng so với giá khởi điểm là 1,2 tỉ đồng.

Cụ thể, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với các sở, ngành và doanh nghiệp khoáng sản, Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, sắp đến sẽ khởi tố các bị can liên quan đến vi phạm quy định về đấu giá. Cùng với đó, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã được chỉ đạo rà soát toàn bộ hồ sơ đấu giá trên địa bàn, nếu phát hiện dấu hiệu lũng đoạn, thông đồng làm giá thì sẽ vào cuộc xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Hà Lai cũng cho hay Công an tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung kiểm tra, xử lý tình trạng doanh nghiệp khai thác cát không xuất hóa đơn, vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc trong giai đoạn từ đây đến cuối năm. Nếu các phương tiện chở cát sỏi nếu không chứng minh được nguồn gốc cũng sẽ bị xử lý.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, ngày 18/10/2024, Công ty CP Đấu giá Hợp danh Hòa Thuận tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát ký hiệu ĐB2B (diện tích 6,04ha, trữ lượng dự kiến 159.000m3). Sau 200 vòng đấu kéo dài 20 giờ, Công ty CP MT Quảng Đà trúng đấu giá với mức hơn 370 tỉ đồng, tăng hơn 308 lần so với giá khởi điểm 1,2 tỉ đồng.
Phiên đấu giá này được đánh giá là bất thường và phi thực tế, khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã yêu cầu rà soát toàn bộ quy trình, kết quả, tỉnh Quảng Nam đã hủy kết quả đấu giá, xử phạt doanh nghiệp 17 triệu đồng và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Chủ tịch Quảng Nam cũng yêu cầu các ngành chức năng tham mưu triển khai các biện pháp để kiểm soát giá cả phù hợp trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, đẩy giá cao làm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đối với vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông Lê Văn Dũng cũng đãn nhìn nhận trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản có dấu hiệu một số tổ chức, cá nhân thông đồng, lợi dụng tham gia đấu giá để thao túng, nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi. Vì vậy, ông Dũng yêu cầu trong quá trình tổ chức đấu giá, trường hợp phát hiện có yếu tố bất thường, có biểu hiện thông đồng, thao túng cuộc đấu giá nhằm trục lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo ngay cho Công an tỉnh và các cơ quan chức năng để chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể, khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ chặt chẽ để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá.
Công văn do ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký yêu cầu rõ trước khi tiến hành phiên đấu giá cần phổ biến thông tin cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá hiểu rõ số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ là một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách Nhà nước để được quyền khai thác khoáng sản. Ngoài số tiền trúng đấu giá thì doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện nhiều khoản chi phí khác như thăm dò, khai thác, chế biến và phải thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên khoáng sản, phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Trong thời hạn không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, tổ chức trúng đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản và để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì tổ chức trúng đấu giá phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản, trong đó có số tiền trúng đấu giá.
“Trong quá trình thực hiện đấu giá, trường hợp có yếu tố bất thường với giá trả cao hơn nhiều lần so với giá bán ra của cùng chủng loại khoáng sản đấu giá tại địa phương để nhằm mục đích “phá” cuộc đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc có biểu hiện lợi dụng tham gia đấu giá để các tổ chức, cá nhân khác phải thương lượng nhằm trục lợi thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, công văn do ông Hưng ký.
Giá cát tại Quảng Nam tăng đột biến
Về giá cát, nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đại lý thông báo mức giá trên 600.000 đồng-700.000 đồng/m3, đất san lấp 300.000 đồng/m3,... Với cát xây dựng, đây là mức giá cao kỷ lục, hơn nhiều so với năm 2024 là từ 400.000-450.000 đồng.
Doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng liên tục. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng như các địa phương khác đã làm, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án đầu tư công xem xét có điều chỉnh các “hợp đồng trọn gói” đã ký thành “hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng.