Dòng vốn chất lượng
Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút vốn trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 cho thấy, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các startup công nghệ trong năm qua. Dòng vốn tư nhân đang bùng nổ với 2,3 tỷ USD giải ngân qua 141 thương vụ vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng vươn lên thứ 2 Đông Nam Á về số lượng startup AI với 765 công ty, chỉ sau Singapore.
Đáng chú ý, cơ chế mới của Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số, đang mở ra kỷ nguyên “hoàng kim” cho vốn tư nhân với mục tiêu chi cho R&D đạt 2 % GDP, trong đó kinh phí xã hội chiếm hơn 60%.
Trong năm 2024, Việt Nam cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP thực đạt 7,1%, cao hơn phần lớn các nền kinh tế châu Á. Sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và thương mại điện tử hiện đóng góp 18,3 % GDP tạo động lực cho thị trường công nghệ phát triển. Cùng với đó, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam đã vươn lên hạng 44, tăng 2 bậc so với năm trước, minh chứng cho nỗ lực chuyển đầu vào thành kết quả đầu ra KH-CN hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, quỹ đầu tư quốc tế và các nhà đầu tư nhận diện Việt Nam là “điểm nóng” công nghệ thế hệ mới, sẵn sàng đón nhận cơ hội tăng trưởng cùng đổi mới sáng tạo. Theo ông Benjamin Sheridan, Giám đốc Đầu tư Toàn cầu BCG, Việt Nam đang trải qua “giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân” với nhiều cơ hội để kiến tạo giá trị gia tăng. Dòng vốn này sẽ tài trợ cho các ý tưởng đột phá, mô hình kinh doanh mới và sản phẩm công nghệ tiên phong.
Tuy nhiên, việc tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế vẫn cần được triển khai một cách quyết liệt. Nghị quyết 57-NQ/TW đặt mục tiêu chi cho R&D đạt 2 % GDP, trong đó hơn 60 % từ nguồn xã hội hóa vốn đầu tư. Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cho biết chính sách tài trợ trực tiếp từ Nhà nước cho doanh nghiệp sẽ được đơn giản hóa thủ tục, nhằm khơi thông nguồn lực sáng tạo.
Đồng thời, việc mở rộng kênh dẫn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư tổ chức và các tập đoàn lớn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trên bình diện quốc tế, kinh nghiệm từ các nước phát triển đã đem đến nhiều bài học quý cho Việt Nam. Tại Mỹ, chương trình SBIR/STTR hàng năm giải ngân khoảng 2,4 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ và startup, giúp thúc đẩy công nghệ từ nghiên cứu đến thương mại hóa. Liên minh châu Âu triển khai Horizon Europe với ngân sách tương đương 95,5 tỷ Euro (2021–2027), tập trung vào nghiên cứu tiên phong và đổi mới sáng tạo cấp cao qua các chương trình ERC và EIC.
Tương tự, Hàn Quốc cũng đã xây dựng quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo công -tư, kết hợp chính sách ưu đãi, đào tạo tinh hoa và thúc đẩy hợp tác công- tư để phát triển công nghệ chiến lược, từ bán dẫn đến AI. Những kinh nghiệm này cho thấy cần đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao năng lực trung gian hỗ trợ doanh nghiệp và tạo khung chính sách linh hoạt.
Điều quan trọng hiện nay là những hành động nhanh và quyết liệt của cả Nhà nước và khu vực tư nhân để chuyển hóa niềm tin và cơ hội thành những quyết định đầu tư mạnh mẽ, thành các hợp đồng hợp tác và biến những tiềm năng, lợi thế thành hiệu quả kinh tế.