Kiến nghị số hoá sổ hồng
Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thành ủy TP HCM, đề xuất cấp sổ hồng dưới dạng điện tử thay cho hình thức giấy hiện hành.

Theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, trong bối cảnh chuyển đổi số, việc số hóa sổ hồng là xu thế tất yếu nhằm hiện đại hóa công tác quản lý đất đai và giảm thủ tục hành chính. Viện đề xuất tích hợp thông tin sổ hồng với căn cước công dân, trong đó thửa đất, tờ bản đồ sẽ được định danh và liên kết với dữ liệu cá nhân của người sử dụng đất.
Giải pháp này không chỉ giúp cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu, xác lập quyền sở hữu mà còn tránh được tình trạng làm giả giấy tờ. Cơ sở dữ liệu này sẽ là nền tảng phục vụ nhiều lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, thu thuế, phù hợp với định hướng của Luật Đất đai 2024 về xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Bên cạnh đó, Viện này cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng tiền sử dụng đất tăng đột biến sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Trong đó, mức thu khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hiện cao gấp nhiều lần so với trước đây, khiến người dân ngại thực hiện thủ tục chuyển đổi. Có nơi ghi nhận tiền sử dụng đất cao gấp gần 20 lần so với mức tính theo Luật Đất đai 2013.
Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho rằng nguyên nhân nằm ở công thức tính trong Nghị định 103 (quy định cách tính tiền sử dụng đất với trường hợp được giao, cho thuê trước ngày 1/8/2024), khi một số yếu tố quan trọng như tỷ lệ phần trăm trong hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) không được áp dụng đúng, dẫn đến sự bất nhất giữa các điều khoản. Tình trạng này khiến nhiều địa phương gặp khó trong thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong quý IV/2024 và quý I năm nay.
Từ những bất cập này, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM kiến nghị Chính phủ rà soát lại nội dung Nghị định 103, điều chỉnh cách tính tiền sử dụng đất cho hợp lý hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản và kinh tế tư nhân theo định hướng Nghị quyết 68.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất.

Giấy chứng nhận gồm một tờ có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận), có kích thước 210 x 297 mm; bao gồm các nội dung theo quy định.
Trước đó, từ 1/1/2025, căn cứ Luật Đất đai năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) đã có Thông tư số 10 ngày 31/7/2024 (Thông tư 10) quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ), trong đó quy định mẫu sổ đỏ mới thay thế mẫu sổ đỏ cũ và bắt đầu thực hiện, mẫu sổ đỏ mới có mã QR.
Hiện, người dân tra cứu được 5 thông tin từ mã QR của sổ đỏ.
Thứ nhất, mã QR thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Thứ hai, mã QR thể hiện thông tin về thửa đất. Thứ ba, mã QR thể hiện thông tin về tài sản gắn liền với đất. Thứ tư, mã QR thể hiện thông tin về sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất. Thứ năm, mã QR thể hiện thông tin về ghi chú và nội dung thay đổi.