Chính trị - Xã hội

Từ rác mỹ phẩm đến bài học quản trị rủi ro tiêu dùng

Nguyễn Thu Hà 22/06/2025 09:30

Sự việc hàng nghìn thỏi son mang nhãn hiệu nước ngoài bị vứt bỏ ven đường Cienco5 (Hà Nội) và sau đó được người dân mang túi đến nhặt đã dấy lên nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm.

Câu hỏi về ý thức cộng đồng, trách nhiệm pháp lý của tổ chức thải bỏ, cũng như khoảng trống trong quản lý sản phẩm mỹ phẩm hết hạn, một vấn đề không mới nhưng chưa từng được xử lý triệt để.

Theo thông tin phản ánh từ nhiều cơ quan báo chí, ngày 21/6, hàng loạt thỏi son nhãn hiệu Black Rouge - thương hiệu mỹ phẩm khá phổ biến với người tiêu dùng trẻ nằm ngổn ngang bên đường, đa phần vẫn còn nguyên hộp. Nhìn bề ngoài, sản phẩm trông mới và đầy hấp dẫn nếu không để ý đến dòng chữ “EXP20231124” cho thấy lô hàng đã hết hạn từ tháng 11/2023, tức gần 1 năm 7 tháng.

Ảnh màn hình 2025-06-22 lúc 09.28.16
Hàng nghìn thỏi son bị vứt ven đường Cienco5. Ảnh: HA NOI NEWS

Cảnh tượng người dân túm tụm, đào bới đống rác mỹ phẩm và hồ hởi nhặt mang về khiến không ít người lạnh gáy. Bởi lẽ, những thỏi son tưởng như vô hại ấy hoàn toàn có thể trở thành "ngòi nổ" cho các rủi ro về sức khỏe như kích ứng da, nhiễm khuẩn, dị ứng hoặc nhiễm độc lâu dài nếu tiếp tục được sử dụng.

Mỹ phẩm, đặc biệt là sản phẩm dạng lỏng hoặc bán rắn như son, sau hạn sử dụng không chỉ mất công dụng mà còn có thể phân hủy thành các hợp chất gây hại. Càng nguy hiểm hơn nếu những thỏi son này được người dân hoặc một số cá nhân trục lợi gom về, “tân trang” bao bì và đưa trở lại thị trường dưới dạng hàng xách tay giá rẻ.

Câu chuyện đặt ra bài toán lớn hơn về quản lý chất thải mỹ phẩm tại Việt Nam - một lĩnh vực gần như bị bỏ ngỏ trong khi thị trường mỹ phẩm nội địa tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, ước tính đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. Không như rác thải y tế hay thực phẩm hết hạn, mỹ phẩm tồn kho hoặc hết hạn hiện chưa có quy định xử lý cụ thể và bắt buộc theo hướng thân thiện môi trường. Điều này khiến không ít doanh nghiệp nhỏ chọn cách "vứt bỏ âm thầm" để tránh chi phí hủy hàng chính ngạch, dẫn đến những hệ lụy như vụ việc lần này.

Đáng lưu ý, việc người dân đổ xô nhặt hàng hết hạn cũng cho thấy một thực trạng buồn: thói quen tiêu dùng dễ dãi, thiếu hiểu biết về an toàn sản phẩm. Trong xã hội hiện đại, việc đánh đổi sức khỏe để tiết kiệm vài trăm nghìn đồng là một lựa chọn nhiều rủi ro. Đáng lo ngại hơn, điều đó có thể tiếp tay cho những hành vi bất hợp pháp: tái chế, buôn bán, hoặc “phù phép” hàng kém chất lượng để đưa vào kênh tiêu thụ không chính thức, một dạng tiếp tay gián tiếp cho hàng giả, hàng nhái.

Trên phương diện quản lý, sự chậm trễ trong xử lý hiện trường, cũng như chưa xác định được tổ chức hay cá nhân chịu trách nhiệm thải bỏ số lượng lớn son hết hạn cũng phản ánh khoảng trống pháp lý đáng báo động. Không thể để tình trạng các doanh nghiệp "vô danh" vứt bỏ hàng hóa xuống lề đường rồi biến mất trong im lặng. Trong một thị trường mỹ phẩm nhập khẩu nhộn nhịp, việc xác minh được đường đi của hàng hóa, đặc biệt là với sản phẩm bị tiêu hủy, cần được coi là nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn trật tự thương mại.

Câu chuyện vứt bỏ mỹ phẩm ở Thanh Oai không phải là lần đầu. Trước đó, bánh kẹo không rõ nguồn gốc cũng bị vứt bỏ ở xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) - điểm nóng về hàng giả, hàng nhái. Những vụ việc nối tiếp nhau cho thấy một thực tế: việc “đào thải” hàng hóa vi phạm hoặc hết hạn đang diễn ra một cách vô tổ chức, thiếu kiểm soát, thậm chí gây nguy hại đến cộng đồng nếu không có sự can thiệp quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Đã đến lúc cần nhìn nhận rác mỹ phẩm là một vấn đề đáng quan tâm như rác thải y tế. Cơ quan chức năng nên thiết lập quy trình hủy mỹ phẩm hết hạn có kiểm soát, công khai, qua đó tạo ra trách nhiệm ràng buộc với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mỹ phẩm. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông về an toàn tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực làm đẹp cần được triển khai thường xuyên, nhắm đến các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng như phụ nữ, học sinh, sinh viên…

Không thể đặt trọn niềm tin vào người dân trong khi thị trường vẫn thiếu cảnh báo và sản phẩm rác thải lại có hình thức dễ đánh lừa. Thay vì để cộng đồng trở thành nạn nhân tiếp theo của những sản phẩm "đẹp vỏ - độc ruột", đã đến lúc cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng hành động: xử lý đúng quy trình, truy vết trách nhiệm, và nâng cao nhận thức xã hội.

Nguyễn Thu Hà