24h

Nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường ở các làng nghề Hải Dương

Lê Cường 23/06/2025 00:30

Việc phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống theo hướng bền vững, xanh-sạch hơn là một trong những giải pháp quan trọng được các ngành chức năng Hải Dương triển khai.

Hạn chế ô nhiễm.

Theo UBND tỉnh, Hải Dương hiện có 60 làng nghề, trong đó 52 làng nghề được UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường, 44 làng nghề đã thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường.

1.jpg
Làng nghề bánh đa - Hải Dương

Những ngày này, khi bước chân vào khu vực phường Tứ Minh – TP Hải Dương có thể thấy diện mạo làng nghề nơi đây đã đổi thay nhanh chóng, khang trang, sạch đẹp hơn. Nghề làm bánh đa ở phường Tứ Minh có từ lâu, giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Đến cuối năm 2024, trên địa bàn phường có 11 cơ sở sản xuất quy mô lớn. Hằng ngày, mỗi cơ sở sản xuất hàng tạ bánh đa cung cấp ra thị trường. Nhiều lò đốt thải khói gây ô nhiễm không khí. Có gia đình đổ nước ngâm gạo ra cống, rãnh làm ô nhiễm nguồn nước.

Để giải quyết tình trạng này, năm 2024, Đảng ủy phường Tứ Minh ban hành nghị quyết chuyên đề xử lý ô nhiễm với các cơ sở sản xuất mỳ gạo. UBND phường thành lập đoàn kiểm tra, chỉ ra hạn chế về môi trường, đất đai, phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục hạn chế trước ngày 30/9/2024. Dù các cơ sở đã áp dụng một số biện pháp nhưng chưa triệt để nên UBND TP Hải Dương đã xử phạt 11 cơ sở, mỗi cơ sở 32,5 triệu đồng, yêu cầu đến ngày 31/12/2024 phải khắc phục triệt để, nếu không phải dừng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Minh cho biết sau khi UBND TP Hải Dương áp dụng biện pháp mạnh, đến nay đã có 8 cơ sở dừng hoạt động, 3 cơ sở chuyển sang dùng điện để sản xuất bánh đa, đồng thời áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý nước thải. Môi trường làng nghề ở Tứ Minh đã cải thiện đáng kể.

Anh Phạm Văn Quy ở khu dân cư Lộ Cương A, phường Tứ Minh cho biết: Để sản xuất bánh đa, hộ kinh doanh của anh đã đầu tư máy móc, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng không gây ô nhiễm môi trường. Anh lắp đặt trạm biến áp 220 kV để chủ động nguồn điện, sử dụng dây chuyền tráng, hấp bánh đa tự động. Nước thải từ ngâm gạo được thu gom vào hầm bioga… Tổng kinh phí chuyển đổi sản xuất trên 2 tỷ đồng.

Trước đây, khói thải từ lò làm bánh đa của tôi gây ô nhiễm môi trường khiến những người xung quanh phàn nàn. "Đầu tư công nghệ mới khá tốn kém nên tôi còn đắn đo. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững", anh Quy nói.

Có 4 làng nghề truyền thống chuyên sản xuất giầy da cho nên cùng với việc phát huy hiệu quả kinh tế làng nghề, chính quyền và người dân nơi đây đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Cụ thể như, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) có 4 làng chuyên sản xuất giầy da, rác thải trung bình khoảng 500 kg/ngày. Trước đây, UBND xã Hoàng Diệu quy hoạch bãi rác rộng 2.000 m2 ở thôn Trúc Lâm để chứa rác thải làng nghề. Do sử dụng lâu ngày nên bãi rác đã đầy, nhiều khi người dân đốt rác gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2022, UBND xã Hoàng Diệu ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh xử lý rác thải làng nghề. Khoảng 90% lượng rác được thu gom xử lý, phần còn lại chuyển về bãi rác thôn Trúc Lâm.

Nghề cơ khí ở xã Tráng Liệt cũ (Bình Giang) được di chuyển ra cụm công nghiệp Tráng Liệt. tương tự như làng nghề bún Đông Cận, xã Gia Tiến (Gia Lộc), đang áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường. Làng nghề này được một tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ năm 2019.

Nỗ lực khắc phụ

Được biết, hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm xen kẽ giữa khu dân cư, nên việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn với chi phí tốn kém. Đã có nhiều giải pháp được triển khai thực hiện nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nước.

Đến nay, 2 làng nghề của Hải Dương là Nghĩa Hy (Hoàng Diệu, Gia Lộc) và Phú Lộc (Cẩm Văn, Cẩm Giàng) đã khắc phục được nhiều hạn chế về môi trường theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo UBND huyện Gia Lộc, đến cuối năm 2024, làng nghề Nghĩa Hy có 79 gia đình làm nghề da giầy (giảm 106 hộ so với năm 2019), trong đó có 27 hộ có đăng ký kinh doanh với 205 lao động. Các hộ sản xuất tại làng nghề chủ yếu hoạt động theo mô hình sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nhỏ.

3.jpg
Làng nghề mây tre nứa An Nhân - Tứ Kỳ (Ảnh Báo Hải Dương)

UBND xã Hoàng Diệu đã ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải da giầy (khoảng 800 kg của 4 làng nghề, trong đó có Nghĩa Hy). UBND xã cùng nhân dân đã đầu tư, cải tạo nhiều hạng mục, công trình, trong đó có hệ thống thoát nước. Đến nay, việc thu gom, xử lý chất thải tại làng nghề Nghĩa Hy đã cơ bản bảo đảm.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây, ngoài việc thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, tăng cường tuyên truyền các hộ thực hiện phương án bảo vệ môi trường, UBND huyện Cẩm Giàng, UBND xã Cẩm Vũ đã cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, vận động các hộ không chăn nuôi trong khu vực dân cư.

Dù môi trường ở 2 làng nghề được cải thiện rõ rệt, nhưng việc thu gom, xử lý nước thải mới chỉ được xử lý sơ bộ bằng hệ thống bể tự hoại và bể biogas, chưa có hệ thống xử lý tập trung.

Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hải Dương đã đưa dự án thu gom, xử lý nước thải tại các làng nghề vào quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023.

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Quản lý môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường), những năm gần đây, UBND tỉnh Hải Dương, chính quyền cấp huyện và một số tổ chức có nhiều giải pháp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề.

Hướng đến mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương đã đặc biệt chú trọng tiêu chí môi trường nhằm xây dựng xóm làng ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp.

Theo UBND huyện Tứ Kỳ: Huyện có 11 làng nghề với hơn 1.000 lao động địa phương. Phần lớn các làng nghề của huyện Tứ Kỳ được công nhận danh hiệu từ năm 2004. Những năm qua, huyện đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, huyện đã tạo thêm không gian xanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Khi các làng nghề hướng đến phát triển xanh, bền vững không chỉ giải bài toán về môi trường mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Bởi vậy, việc đầu tư công nghệ vào sản xuất để giảm ô nhiễm, tăng năng suất sẽ là lời giải chính xác cho bài toán kinh tế làng nghề của cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng.

Lê Cường