Nghị quyết 68-NQ/TW: Rút ngắn khoảng cách chính sách - thực tiễn
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu lớn về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó cần đặc biệt coi trọng việc làm thế nào để xoá bỏ khoảng cách giữa chủ trương và thực thi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn DĐDN, bà Virginia Foote, Chủ tịch công ty tư vấn Bay Global Strategies, thành viên Hội đồng AmCham, đã nêu bật những thách thức thực tế, đồng thời chỉ ra những ưu tiên cốt lõi mà Việt Nam cần tận dụng để bứt phá.
- Theo bà, đâu là thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt trong việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân?
Tôi nghĩ thách thức cốt lõi nằm ở việc kết nối thành công các mục tiêu chính sách với việc triển khai thực tế. Mặc dù có những chính sách tốt được đề ra, nhưng việc đưa chúng vào cuộc sống doanh nghiệp thường phải đối mặt nhiều rào cản.
Ví dụ, hệ thống pháp lý thường tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các phần hoặc giữa các bộ, ngành khác nhau, tạo ra một số "ngõ cụt" nhất định khi doanh nghiệp cố gắng tuân thủ hoặc giải quyết vấn đề. Quá trình ra quyết định tại Việt Nam cũng được xem là phức tạp và khó khăn. Các bộ, ngành thường hoạt động độc lập với nhau, khiến một số chỉ thị của họ có thể mâu thuẫn nhau. Do đó, chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính của Việt Nam sẽ cực kỳ hữu ích.
- Xin bà đưa ra một vài ví dụ cụ thể về những rào cản mà các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đang phải đối mặt tại Việt Nam?
Trong một số cuộc gặp mặt gần đây với Chính phủ, các công ty thực sự mong muốn đẩy mạnh phát triển dự án tại Việt Nam, và rất cần phải đưa thêm các chuyên gia vào Việt Nam để thực hiện các dự án này. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép lao động cũng như thị thực lao động phát sinh nhiều vấn đề, chẳng hạn như giấy phép được ban hành ở cấp tỉnh lại không phù hợp khi các chuyên gia cần phải di chuyển và hỗ trợ nhiều cơ sở ở các địa bàn khác nhau.
Chúng tôi đang vận động để có thể mở rộng việc áp dụng giấy phép lao động cấp quốc gia, để các công ty có thể cử các chuyên gia đi đến bất cứ nơi nào vào bất kỳ thời điểm nào mà công ty cần. Việc này có vẻ đơn giản nhưng với quy mô ngày càng phức tạp trong lĩnh vực sản xuất, thì sẽ làm ngày càng gia tăng nhu cầu cử các chuyên gia vào Việt Nam theo lịch trình được lên trước nhiều tháng để đào tạo nhân công người Việt.
Một ví dụ khác là việc hoàn thuế VAT và thực hiện các báo cáo thuế. Nhiều công ty gặp khó khăn do quy trình phức tạp, sử dụng sai biểu mẫu hoặc cách giải thích mâu thuẫn giữa các cơ quan thuế cấp quốc gia và cấp tỉnh. Một số vấn đề này phải mất nhiều tháng mới giải quyết được hoặc vẫn bế tắc.
Các rào cản phi thuế quan cũng gây khó khăn cho việc nhập khẩu hàng hóa. Ví dụ, trong ngành dược phẩm, các thủ tục kiểm nghiệm phức tạp và tốn thời gian ngay cả đối với các loại thuốc đã được lưu hành rộng rãi trên toàn cầu. Điều này hạn chế sự tiếp cận của người dân với thuốc cần thiết và làm tăng chi phí tuân thủ.

Một vấn đề nền tảng có thể quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của Việt Nam là việc phát triển năng lượng – nếu không đủ năng lượng để mở rộng đầu tư thì không thể có tăng trưởng. Đến nay, phần công việc lớn nhất là quy hoạch điện đã được hoàn thành, nhưng tôi vẫn lo ngại rằng kế hoạch dài hạn không thay thế được bước đi ngay lập tức để phê duyệt và xây dựng thêm các nguồn năng lượng và truyền tải. Nhiều công ty đối tác của chúng tôi cần tiếp cận năng lượng tái tạo khi đầu tư. Việc thiếu một nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, đặc biệt là năng lượng tái tạo, có thể là rào cản cho việc thu hút các khoản đầu tư chất lượng cao.
Các công ty cũng đặt nhiều kỳ vọng vào việc Quy hoạch điện VIII sẽ đạt được các mục tiêu dài hạn quan trọng đối với Việt Nam. Trong khi đó, nhiều khoản đầu tư chất lượng cao trong và ngoài nước hiện đang cần nguồn điện đáng tin cậy để đầu tư hoặc phát triển. Do đó, một kế hoạch tương lai khó có thể thể thuyết phục họ. Chúng tôi cho rằng, sự tăng trưởng trong ngắn hạn của khối tư nhân cũng cần phải được bảo đảm bởi sự phát triển năng lượng trong ngắn hạn.
- Theo bà, Việt Nam cần có giải pháp nào để xóa khoảng cách giữa chính sách và thực thi nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực tư nhân trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay?
Tôi tin rằng Việt Nam nên tập trung vào bốn vấn đề nền tảng lớn nằm trong tầm kiểm soát của mình.
Thứ nhất, môi trường pháp lý và các quy định. Việt Nam nên tiếp tục các cải cách hành chính đang có, quan trọng là làm cho môi trường kinh doanh vận hành trơn tru, dễ dàng và cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong khu vực.
Thứ hai, về cấu trúc thuế, cần minh bạch và thân thiện hơn. Việc đánh giá đồng bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác, ban hành thỏa thuận giá trước, giải quyết xung đột nhanh chóng và hài hòa hệ thống với thông lệ toàn cầu, sẽ đều giúp cải thiện tình hình.
Thứ ba, Việt Nam nên tiếp tục phát triển đường sá, giao thông và đặc biệt là cảng biển nước sâu để phục vụ vận chuyển hàng hóa. Chi phí logistics cần phải giảm bớt. Đặc biệt, cần hiện đại hoá việc đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực.
Cuối cùng, phải đảm bảo nguồn cung cấp điện đầy đủ, đáng tin cậy và đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo cho các loại hình đầu tư mới trong tương lai. Tương lai mà Việt Nam đang hoạch định sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng, nhưng tương lai phát triển việc làm và tăng trưởng trong mọi lĩnh vực của khu vực tư nhân cũng đều cần năng lượng.
- Trân trọng cảm ơn bà!