Cà phê doanh nhân

Chinh phục thị trường Nhật từ chất lượng và tiêu chuẩn xanh

Quân Bảo 28/06/2025 01:30

Nếu sản phẩm của doanh nghiệp Việt vượt qua được tiêu chuẩn của Nhật Bản thì cũng sẽ dễ dàng vượt qua được tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính khác.

vananhtamnong.jpg
Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc Tam Nông Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc Tam Nông Việt Nam:

Mặc dù nền nông nghiệp của Nhật Bản khá phát triển, nhưng hiện vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu tiêu dùng. Đây được coi là một lợi thế lớn để mở rộng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta cần phải quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ, quản lý chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn mới có thể đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Khó khăn mà tôi cũng như các doanh nghiệp nông sản Việt đang tham gia vào thị trường Nhật Bản gặp phải là hiện nay chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn mà phía Nhật Bản đề ra. Nhật Bản muốn sản phẩm khi sản xuất và nhập khẩu vào nước họ phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, và nguyên liệu phải là nguyên liệu từ Việt Nam. Vì vậy, việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất ra sản phẩm sẽ là một rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Về quy trình nhập khẩu, hàng hóa sau khi kiểm dịch thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có bất kỳ vấn đề gì thì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, thực phẩm hay những bao bì để bảo quản cũng phải làm thủ tục và báo cáo theo Luật Vệ sinh Thực phẩm của Nhật Bản. Ví dụ, vừa qua, khi vận chuyển bằng đường hàng không sản phẩm ớt lên men để đưa vào cửa hàng bán thì chúng tôi gặp vấn đề về bao bì. Mặc dù chúng tôi đã sử dụng bao bì tái chế nhưng nước bạn lại hoàn toàn không chấp nhận. Sau đó, chúng tôi phải thay đổi mạnh, chuyển sang bao bì kim loại nhôm mới đưa vào được Nhật Bản. Và hiện nay, chúng tôi tiếp tục làm bao bì bằng thủy tinh với nắp bằng nhôm và phải đạt chuẩn thì mới được thông quan. Nếu tính kỹ thì riêng tiền bao bì đã chiếm khoảng 50% giá thành sản phẩm.

Để các sản phẩm có thể có mặt trên các kệ hàng của siêu thị Nhật Bản, doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định và tất cả các giai đoạn từ canh tác, dư lượng chất. Ví dụ, tôi nói về ớt, là đơn vị sản xuất ớt và tương ớt, chúng tôi phải đảm bảo đủ 22 tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật từ khâu canh tác, làm đất cho đến khi sản phẩm thu hoạch, đưa vào cấp đông và sau đó là sản xuất tương ớt. Tất cả phải tuân thủ đúng quy định của phía Nhật Bản, từ canh tác, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng. Các quy định này được áp dụng chặt chẽ và bắt buộc theo luật pháp Nhật Bản.

Nếu chúng ta có một quy trình sản xuất, kỹ thuật chế biến đảm bảo đạt tiêu chuẩn, tôi tin rằng chúng ta sẽ xuất khẩu được sản phẩm rất lớn vào thị trường này. Và một đặc điểm nữa là người Nhật rất chung thủy với “sản phẩm ruột” của mình. Nếu sản phẩm Việt nào chinh phục được người tiêu dùng Nhật thì đó sẽ là cơ hội bán hàng dài lâu.

Và một điều đáng lưu ý nữa, đó là nếu sản phẩm của chúng ta vượt qua được tiêu chuẩn của Nhật Bản thì sẽ dễ dàng vượt qua được tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính khác.

Quân Bảo