Cổ phiếu dầu khí Đông Nam Á "chao đảo" vì xung đột địa chính trị
Sau hai tuần tăng mạnh do căng thẳng giữa Iran và Israel, giá dầu bất ngờ quay đầu giảm, kéo theo làn sóng bán tháo cổ phiếu dầu khí tại các thị trường năng lượng sôi động nhất Đông Nam Á.

Cổ phiếu dầu khí tại Malaysia và Indonesia đã giảm trở lại sau đợt tăng mạnh kéo dài hai tuần do căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran, vốn từng khiến giá dầu thô tăng vọt trong thời gian ngắn.
Hai thị trường này, vốn là nơi tập trung các mã cổ phiếu năng lượng được giao dịch sôi động nhất Đông Nam Á, cho thấy cách các nhà đầu tư trong khu vực phản ứng trước những biến động địa chính trị ảnh hưởng tới giá dầu toàn cầu.
Xu hướng biến động của giá dầu được phản ánh rõ trên sàn Bursa Malaysia. Tính đến cuối phiên thứ Tư tuần qua, chỉ số Năng lượng Bursa Malaysia, theo dõi 23 mã cổ phiếu dầu khí giữ nguyên ở mức 728,11 điểm, giảm khoảng 3,2% so với mức hôm thứ Hai tuần trước, mức cao nhất trong vòng một tháng.
Sự đảo chiều đột ngột này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Israel và Iran đã đồng ý một lệnh ngừng bắn “toàn diện và tuyệt đối”, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 12 ngày. Lệnh ngừng bắn được ấn định sẽ có hiệu lực vài giờ sau đó.
Các mã cổ phiếu dầu khí lớn ghi nhận giao dịch trái chiều trong phiên giao dịch vừa qua, phần lớn đều có xu hướng giảm. Một ngoại lệ đáng chú ý là cổ phiếu của Petronas Chemicals, đơn vị sản xuất hóa chất tích hợp thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia đã tăng 5,8% lên 3,28 RM/cp, sau khi cổ phiếu này giảm xuống mức thấp nhất trong năm ngày là 3,04 RM/cp.
Cổ phiếu của Velesto Energy, công ty cung cấp dịch vụ khoan ngoài khơi, tăng khoảng 2,8% lên 0,19 RM/cp. Tương tự, các cổ phiếu của Dialog Group, công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật tích hợp, và Dayang Enterprise, đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngoài khơi, đều phục hồi dưới 1% trong phiên thứ Tư tuần trước.
Tại Indonesia, các nhà sản xuất dầu chủ chốt, cũng chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh cổ phiếu, xóa sạch mức tăng trong thời gian qua. Chỉ số IDXENERGY, theo dõi cổ phiếu năng lượng trên sàn Jakarta, giảm 1,8% trong ngày thứ Tư tuần qua.
Dù giá dầu đã hạ nhiệt, nhưng những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn vẫn còn. JPMorgan cảnh báo rằng nếu xung đột Trung Đông tiếp tục leo thang, chẳng hạn như xảy ra phong tỏa Eo biển Hormuz thì giá dầu có thể tăng vọt lên 120 USD/thùng. Tuy nhiên, nếu căng thẳng lắng dịu, các nhà phân tích dự đoán giá sẽ duy trì quanh mức hiện tại.
Eo biển Hormuz là điểm nghẽn quan trọng trong thương mại năng lượng toàn cầu, chiếm 34% lượng dầu xuất khẩu qua đường biển, 30% khí hóa lỏng (LPG) và 20% khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Bất kỳ gián đoạn nào tại eo biển hẹp này đều có thể tác động lớn đến giá năng lượng toàn cầu.
Herald van der Linde, chiến lược gia cổ phiếu châu Á tại HSBC, nhấn mạnh rằng giá dầu tăng cùng với hệ số rủi ro cao hơn có thể gây áp lực giảm đối với cổ phiếu khu vực.
“Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan là những thị trường dễ tổn thương nhất do có mối tương quan mạnh với giá dầu, trong khi Hồng Kông và Indonesia ít nhạy cảm hơn,” ông nói với tờ The Business Times.

Dù thị trường biến động, các nhà sản xuất dầu thượng nguồn vẫn có vị thế tốt nhất để hưởng lợi nếu giá dầu thô tăng trở lại do căng thẳng địa chính trị. Tương tự, các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn có mảng bảo trì dự kiến sẽ duy trì lợi nhuận ổn định trong các quý tới.
Kaushal Ladha, Trưởng bộ phận nghiên cứu Thái Lan của Macquarie Capital, dự đoán rằng các công ty sản xuất thượng nguồn và nhà máy lọc dầu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất – nhất là khi nguồn cung dầu từ Iran bị gián đoạn, khiến cung khu vực thắt chặt và biên lợi nhuận lọc dầu tăng.
Tại Malaysia, Raymond Yap, nhà phân tích tại CGS International, cho biết các công ty thượng nguồn như Hibiscus Petroleum và Dialog dự kiến sẽ hưởng lợi từ giá dầu cao, với đánh giá "tăng tỷ trọng" cho toàn ngành.
Rủi ro giảm giá trong ngành bao gồm: giá dầu giảm nếu Iran theo đuổi hòa bình, OPEC+ sản xuất dư thừa, hoặc nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu do áp lực thương mại, chẳng hạn như thuế quan đối ứng cao mà Mỹ có thể áp dụng.
Lim Sin Kiat, nhà phân tích cấp cao tại Kenanga Research, dự đoán căng thẳng hiện tại sẽ lắng dịu, giá dầu có xu hướng giảm vào cuối năm 2025 khi OPEC+ vẫn còn nhiều công suất dự phòng. Ông cho rằng kịch bản 90 USD/thùng là khó xảy ra, và khả năng lắng dịu mới là cơ sở chính.
Trong khi đó, Rully Arya Wisnubroto, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Mirae Asset Sekuritas, cho rằng mức độ biến động ngắn và trung hạn của giá dầu sẽ vẫn cao, với giá năng lượng và nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn có khả năng duy trì ở mức lớn.