Khấu trừ thuế phải chuyển khoản: Quy định hợp lý hay gánh nặng thủ tục?
Từ 1/7/2025, hóa đơn trên 5 triệu không chuyển khoản sẽ không được khấu trừ thuế GTGT. Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại đây sẽ là rào cản mới cho doanh nghiệp…
Lo ngại "gánh nặng" hành chính
Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7/2025, quy định chỉ được khấu trừ thuế đầu vào nếu hàng hóa hoặc dịch vụ có hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên được thanh toán không dùng tiền mặt. So với ngưỡng 20 triệu hiện hành, thay đổi này khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không khỏi lo ngại.

Trong góp ý mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định rằng đây là một ràng buộc có thể gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp trong thực tiễn giao dịch.
“Với ngưỡng 5 triệu đồng, rất nhiều khoản chi tiêu hợp lệ của doanh nghiệp có nguy cơ không được khấu trừ thuế nếu thực hiện thanh toán tiền mặt. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ vốn ít sử dụng dịch vụ ngân hàng và có hoạt động giao dịch linh hoạt”, VCCI cảnh báo.
Không chỉ vậy, VCCI còn chỉ ra những tình huống phổ biến như mua vật tư, sửa chữa nhỏ, chi phí công tác, hỗ trợ người lao động… thường được chi dưới 10 triệu đồng nhưng diễn ra thường xuyên. Nếu buộc phải chuyển khoản, doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm chi phí giao dịch ngân hàng, thủ tục kế toán phức tạp, đồng thời đối mặt nguy cơ bị loại khỏi chi phí hợp lý nếu chỉ thiếu chứng từ thanh toán điện tử.
Đáng chú ý, tại thời điểm hiện nay, dù luật đã được ban hành, nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn vẫn chưa được công bố. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc giảm ngưỡng nhưng không làm rõ các hình thức thanh toán được chấp nhận như ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền qua mã QR hay công cụ số hóa khác dễ dẫn đến sự tùy tiện khi thanh tra thuế.
Cần lộ trình và phân loại đối tượng
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng, mục tiêu của quy định là minh bạch hóa dòng tiền và hạn chế tình trạng trốn thuế. “Tuy nhiên, pháp luật không nên cào bằng mà cần phân loại, tạo vùng đệm chuyển tiếp hợp lý cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể”, luật sư Nhung nói.
Theo bà Nhung, trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ, phân phối hàng hóa truyền thống… việc thanh toán tiền mặt vẫn phổ biến. “Không thể lấy đô thị làm thước đo chung cho cả nền kinh tế. Khi mà việc áp dụng thanh toán không tiền mặt còn phụ thuộc vào hạ tầng ngân hàng, mức độ tiếp cận công nghệ và thói quen địa phương, thì việc khống chế khấu trừ thuế mà không chuyển khoản là một rào cản ngầm”, luật sư Nhung phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cũng nhận định, về nguyên tắc, khấu trừ thuế là một quyền tài chính hợp pháp của doanh nghiệp, không nên gắn chặt quyền đó với hình thức thanh toán cụ thể nếu doanh nghiệp vẫn chứng minh được tính hợp lý và hợp pháp của khoản chi.
Luật sư Biên cho rằng, nếu mục tiêu là kiểm soát giao dịch gian lận, cần nhấn mạnh yếu tố kiểm soát đầu vào và chứng minh chi phí hơn là quy định cứng nhắc một hình thức thanh toán. Việc không cho khấu trừ chỉ vì thanh toán tiền mặt có thể dẫn tới hai hệ lụy: lãng phí thuế đầu vào hợp pháp và tạo thêm gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết.
Đặc biệt, ông Biên nhấn mạnh: “Cơ quan thuế cần có hướng dẫn rõ ràng về các phương tiện thanh toán chấp nhận được. Không thể để doanh nghiệp rơi vào thế bị động, chỉ vì chưa kịp cập nhật cách chứng minh thanh toán qua ví điện tử, app ngân hàng hay hình thức mới”.
Không ai phủ nhận chủ trương chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt là cần thiết, nhưng việc “hạ ngưỡng” từ 20 triệu xuống còn 5 triệu mà không có lộ trình, không phân loại đối tượng và không làm rõ công cụ thực hiện sẽ khiến quy định pháp lý xa rời thực tế vận hành.
Pháp luật chỉ phát huy tác dụng khi đồng thời đạt ba yếu tố: tính khả thi, tính công bằng và tính ổn định. Trong đó, tính khả thi luôn phải là điều kiện tiên quyết. Nếu hàng triệu doanh nghiệp nhỏ – vốn đang nỗ lực tuân thủ thuế cảm thấy mình bị siết chặt hơn cả khối gian lận chuyên nghiệp, thì niềm tin vào cải cách sẽ suy giảm.
Vấn đề không nằm ở mục tiêu của quy định, mà ở cách thực thi và cách đối xử công bằng giữa các đối tượng. Để chính sách thuế phát huy đúng vai trò điều tiết và hỗ trợ, thì minh bạch nên đi kèm với linh hoạt, và quản lý nên đi đôi với đồng hành.