Canada toan tính gì khi gỡ bỏ thuế DST cho các Big Tech Mỹ?
Đối mặt sức ép từ Tổng thống Mỹ và nguy cơ suy thoái kinh tế, Canada buộc phải rút thuế kỹ thuật số nhằm cứu vãn quan hệ thương mại với Mỹ.

Xóa bỏ thuế DST - thắng lợi của Big Tech Mỹ
Trong một bước đi được đánh giá là nhượng bộ chiến lược trước sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính phủ Canada đã tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn như Meta Platforms Inc. và Alphabet Inc. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ trước khi khoản thanh toán đầu tiên theo DST chính thức có hiệu lực.
Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada, được thông qua dưới thời cựu Thủ tướng Justin Trudeau, nhằm áp thuế 3% đối với doanh thu của các công ty có doanh thu vượt 20 triệu đô la Canada (tương đương 14,6 triệu USD) mỗi năm.
Nếu được duy trì, loại thuế này được dự đoán sẽ khiến các công ty công nghệ toàn cầu tiêu tốn hàng tỷ USD, tương tự các chính sách hiện đang được áp dụng tại Anh và Pháp.
Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Mark Carney đã quyết định rút lui vào phút chót, viện dẫn lý do tạo điều kiện nối lại đàm phán thương mại với Mỹ sau khi Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố vào thứ Sáu tuần trước rằng ông sẽ ngừng toàn bộ đàm phán thương mại với Canada nếu DST không bị hủy bỏ.
“Việc hủy bỏ DST sẽ giúp các cuộc đàm phán đạt được tiến triển quan trọng và củng cố nỗ lực của chúng tôi trong việc tạo việc làm và xây dựng sự thịnh vượng cho tất cả người dân Canada,” Bộ trưởng Tài chính Francois-Philippe Champagne tuyên bố trên mạng xã hội.
Ông Trump không chỉ dừng ở lời cảnh báo, mà còn đe dọa áp đặt các mức thuế quan mới trong vòng một tuần, nhắm trực tiếp vào những mặt hàng chiến lược của Canada như ô tô, thép và nhôm. Trước sức ép đó, hai bên đã đạt được đồng thuận nối lại đàm phán thương mại, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận mới trước ngày 21/7.

Lợi ích kinh tế song phương bị đe dọa
Động thái nói trên của ông Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Canada, vốn phụ thuộc mạnh mẽ vào thương mại với Mỹ. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, năm 2024, Mỹ xuất khẩu khoảng 440 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Canada và nhập khẩu 477 tỷ USD từ quốc gia láng giềng phía Bắc. Canada là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là khách hàng lớn nhất của Mỹ.
Riêng đối với Canada, hơn 75% kim ngạch xuất khẩu đổ về thị trường Mỹ, trong đó bao gồm phần lớn dầu mỏ, khoáng sản, xe cơ giới và phụ tùng — các ngành đang “gồng mình” chống chọi với ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Quyết định hủy bỏ DST cũng phản ánh thực trạng kinh tế Canada đang bước vào giai đoạn giảm tốc nghiêm trọng. Theo Cơ quan Thống kê Canada, GDP tháng 5 giảm 0,1%, nối tiếp đà giảm tương tự trong tháng 4. Nếu không có sự phục hồi trong tháng 6, nền kinh tế Canada sẽ suy giảm 0,3% trong quý II — đánh dấu quý suy thoái kỹ thuật đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19.
“Chiếc giày cuối cùng đã rơi xuống, và nền kinh tế Canada đang chuẩn bị bước vào một quý suy giảm,” Andrew DiCapua, chuyên gia kinh tế trưởng tại Phòng Thương mại Canada, nhận định.
Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát lõi vẫn duy trì ở mức 3%, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: tiếp tục giữ lãi suất ở mức 2,75% để kiểm soát giá cả, hay hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Thị trường tài chính đã phản ứng mạnh với các số liệu yếu: lợi suất trái phiếu chính phủ 2 năm giảm xuống 2,63%, phản ánh kỳ vọng BoC sẽ phải cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 30/7 tới — chỉ một ngày trước khi dữ liệu GDP quý II chính thức được công bố.
Về mặt chính trị, quyết định rút DST cũng là bước đi chiến lược của Thủ tướng Mark Carney, người vừa đắc cử vào tháng 4 nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tỉnh công nghiệp như Ontario. Đây là khu vực hiện đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan của Mỹ và có thể đóng vai trò then chốt trong các kỳ bầu cử tương lai.
“Chính phủ ông Carney hiểu rằng tăng trưởng kinh tế và việc làm tại các khu vực công nghiệp là nền tảng cho sự ổn định chính trị,” giáo sư Jean-Pierre Gagnon (Đại học Montreal) nhận định và nhấn mạnh, DST chỉ là một quân bài mặc cả, không phải là ranh giới đỏ về chính sách.