Chính trị

Phát triển Thái Nguyên mới hàng đầu khu vực phía Bắc, kiểu mẫu về kinh tế xanh

Kim Dung - Vũ Phường 30/06/2025 20:04

Ngay từ 1/7, Thái Nguyên thực hiện thông suốt tất cả công việc theo thẩm quyền 2 cấp (tỉnh, xã), không để chậm trễ, không để sót việc. Tinh thần là "từ phục vụ hành chính sang phục vụ nhân dân".

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên về hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, ngày 30/6/2025.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trao Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên

Tham dự buổi lễ tại tỉnh Thái Nguyên có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn qua các thời kỳ.

Theo Quyết định số 2160-QĐNS/TW, ngày 23/6/2025, Bộ Chính trị, ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (cũ), được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (mới), nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao các quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trao các quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên

Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn (cũ), giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (để chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên (mới), nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên (cũ), giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy (để chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (mới), nhiệm kỳ 2021 - 2026); Đinh Quang Tuyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (cũ), giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (mới).

Trao các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên
Trao các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Kiến tạo – mở ra một kỷ nguyên mới

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là một dấu mốc lịch sử, sự kiện chính trị trọng đại, không chỉ đối với tỉnh Thái Nguyên mà còn đối với tiến trình đổi mới toàn diện đất nước. Qua đó, thể hiện quyết tâm chính trị cao, tầm nhìn chiến lược sâu rộng và bước đi đột phá của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Trong thời gian qua, Thái Nguyên và Bắc Kạn là 2 địa phương đã chủ động, tích cực và là những đơn vị đi đầu trong cả nước sớm hoàn thiện, trình đề án hợp nhất tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; hoàn thành việc xây dựng, trình phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt.

"Trung ương đánh giá cao và biểu dương tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị, nghiêm túc, khẩn trương, nỗ lực vượt bậc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ 2 tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhiều nội dung vượt yêu cầu đề ra", Phó Thủ tướng cho biết.

Bắc Kạn và Thái Nguyên là 2 tỉnh có bề dày lịch sử, có chung quá trình hình thành, phát triển (tách ra từ tỉnh Bắc Thái cũ), có mối liên hệ chặt chẽ về địa lý, tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán.

Phó Thủ tướng cho rằng việc sáp nhập 2 tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm mở rộng không gian phát triển, khơi thông nguồn lực, gắn kết chặt chẽ giữa trung tâm công nghiệp - đô thị năng động Thái Nguyên với tiềm năng sinh thái, văn hóa đặc sắc của Bắc Kạn.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp, sẽ có quy mô hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực, có điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ, đột phá, cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, toàn diện.

Hợp lực để tạo không gian phát triển

Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên mới sau khi sáp nhập tỉnh, bước vào một giai đoạn phát triển mới, đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, đổi mới tư duy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, đối với cán bộ, lãnh đạo được phân công, bổ nhiệm cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần cống hiến, đoàn kết, công tâm, năng động, chủ động thích ứng với yêu cầu mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nhanh chóng bắt nhịp công việc.

Thứ hai, ngay trong ngày mai (1/7) tất cả các công việc theo thẩm quyền của 2 cấp (tỉnh, xã) phải được thực hiện thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc, tinh thần là để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời giữ gìn hình ảnh, tác phong của người cán bộ "từ phục vụ hành chính sang phục vụ nhân dân".

Đối với những nơi cấp xã thiếu cán bộ chuyên môn, cấp tỉnh phải bố trí, tăng cường kịp thời, đầy đủ, hỗ trợ, giúp đỡ bảo đảm công việc thông suốt.

Thứ ba, thời gian tới, khối lượng công việc rất lớn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động kịp thời, cụ thể.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2026-2030;... Đồng thời, tập trung tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2025-2030.

Thứ năm, tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh mới, phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh khi hai tỉnh được hợp nhất, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, tỉnh Thái Nguyên thực hiện ngay việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; hình thành các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, từng bước nâng cấp công nghệ, tiêu chuẩn và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh đa dạng hóa cơ cấu kinh tế trên cơ sở kết hợp giữa nền tảng công nghiệp vững chắc của Thái Nguyên và tiềm năng nông nghiệp, tài nguyên, du lịch của Bắc Kạn; phát triển du lịch theo hướng tạo thành tuyến du lịch sinh thái - lịch sử hấp dẫn…

Thứ sáu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng các dân tộc, biến văn hóa thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế; chú trọng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Thứ bảy, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt các chính sách cho người có công, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính là việc làm cần thiết đúng đắn và mang tính chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, quá trình ban đầu khi sáp nhập cũng có tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

"Trung ương rất thấu hiểu và chia sẻ với các cán bộ và nhân dân. Để chấp nhận thay đổi, từ bỏ thói quen đã gắn bó nhiều năm là không dễ, nhưng chính trong lúc này, tôi đề nghị đề cao tinh thần gương mẫu vì tập thể, vì lợi ích chung, nhất là các cán bộ lãnh đạo mới được bổ nhiệm", Phó Thủ tướng chia sẻ.

thăm TTHCC
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng thăm, kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phan Đình Phùng (mới) của tỉnh Thái Nguyên

Phó Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao, tư duy hành động quyết liệt và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Thái Nguyên mới sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vững vàng vươn lên trở thành địa phương phát triển hàng đầu khu vực phía Bắc, kiểu mẫu về kinh tế xanh, du lịch trải nghiệm sinh thái, trung tâm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và đô thị thông minh, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của vùng cũng như của cả nước.

“Bật” chế độ sẵn sàng hoạt động mô hình chính quyền 2 cấp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn, mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho bộ máy chính quyền mới đã hoàn tất. 2 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn chính thức "về chung một nhà".

Với quyết tâm cao, 92 xã, phường trong tỉnh đều đã “bật” chế độ sẵn sàng cho việc vận hành chính quyền 2 cấp cùng tâm thế vững vàng, sẵn sàng đối mặt với thử thách để kiến tạo một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả và gần dân hơn để tỉnh Thái Nguyên không ngừng phát triển trong kỷ nguyên mới.

Kim Dung - Vũ Phường