Ô tô - Xe máy

Khi công nghệ không bù được tầm nhìn, nỗi lo an toàn trên xe đời mới

Thanh Trà 01/07/2025 12:31

Xe càng hiện đại góc khuất càng lớn, khiến nguy cơ tai nạn tăng cao, đặc biệt ở các dòng SUV và bán tải.

Dù được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại giúp tăng tính an toàn, nhiều mẫu xe đời mới lại đang tiềm ẩn một nguy cơ ít ai ngờ tới: tài xế ngày càng khó quan sát không gian xung quanh, đặc biệt là phía trước xe. Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới do Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Hoa Kỳ (IIHS) phối hợp cùng Trung tâm Volpe thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ thực hiện, dựa trên dữ liệu phân tích hơn 25 năm thiết kế xe hơi.

2023-honda-cr-v-3-9087 (1)
Nhiều mẫu xe đang dần trở nên khó quan sát hơn, đặc biệt là các dòng SUV và bán tải. (Ảnh minh họa)

Trong vòng 25 năm qua, ngành công nghiệp ô tô đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ. Người dùng giờ đây có thể kết nối điện thoại thông minh trực tiếp với xe qua Apple CarPlay hay Android Auto, sử dụng camera 360 độ quan sát toàn cảnh, hay được hỗ trợ bởi các hệ thống phanh tự động, cảnh báo điểm mù, giữ làn đường… Nhưng trong khi công nghệ được cập nhật liên tục, thì khả năng quan sát trực tiếp của người lái là yếu tố tưởng chừng cơ bản lại đang bị thu hẹp đáng kể. Theo thống kê của IIHS, từ năm 1997 đến 2022, số người đi bộ thiệt mạng trên đường tại Mỹ đã tăng 37% và số người đi xe đạp tử vong tăng 42%. Những con số này khiến các chuyên gia đặt lại câu hỏi: liệu có điều gì trong thiết kế xe đang góp phần làm tăng nguy cơ tai nạn?

Để trả lời câu hỏi đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ đặc biệt do IIHS phát triển: một hệ thống camera 360 độ có thể điều chỉnh độ cao, kết hợp phần mềm tính toán chuyên dụng, giúp tái hiện chính xác vùng quan sát thực tế từ ghế lái. Bằng cách tạo ra bản đồ điểm mù từ góc nhìn người lái, các nhà nghiên cứu có thể đo lường chính xác khu vực mà tài xế có thể nhìn thấy trên mặt đất quanh xe. Trong nghiên cứu này, họ tập trung vào phạm vi 10 mét phía trước đầu xe, tương ứng với khoảng cách cần để dừng xe khi di chuyển ở tốc độ chậm, nơi những góc khuất rất dễ gây tai nạn nếu tài xế không nhìn thấy người đi bộ hay trẻ em băng qua.

Kết quả thu được cho thấy một thực tế đáng lo ngại: qua các thế hệ thiết kế, nhiều mẫu xe phổ biến tại Mỹ đang dần trở nên khó quan sát hơn, đặc biệt là các dòng SUV và bán tải. Ví dụ, người lái Honda CR-V đời 1997 có thể quan sát được 68% khu vực trước xe trong bán kính 10 mét. Nhưng với CR-V 2023, con số này giảm mạnh, chỉ còn 28%. Mẫu SUV cỡ lớn Chevrolet Suburban cũng chứng kiến mức sụt giảm tương tự, từ 56% ở bản năm 2000 xuống còn 28% ở bản 2023. Ford F-150, dù có thiết kế bo tròn từ đầu, cũng không tránh khỏi xu hướng này: bản năm 1997 có thể quan sát 43% phía trước, nhưng đến 2015 chỉ còn 36%.

Nguyên nhân chính đến từ thay đổi trong thiết kế: mui xe ngày càng cao và vuông vức hơn khiến vùng phía trước bị che khuất nhiều hơn; gương chiếu hậu lớn hơn và đặt sát trụ A cũng cản trở đáng kể tầm nhìn tại các góc đầu xe. Khi xu hướng thiết kế đề cao sự “bề thế” và kiểu dáng “cơ bắp” lên ngôi, tầm nhìn lại trở thành thứ bị hy sinh một cách thầm lặng.

Các dòng sedan, dù có phần ít bị ảnh hưởng hơn, cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Honda Accord có tầm nhìn phía trước 65% vào năm 2003, nhưng đến năm 2023 chỉ còn 60%. Toyota Camry, đối thủ cạnh tranh trực tiếp, cũng giảm từ 61% xuống còn 57%.

120230109150920 (1)
Sự đổi mới trong thiết kế cũng khiến các mẫu sedan bị giảm tầm nhìn. (Ảnh minh họa)

Những con số này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn phản ánh một rủi ro thực tế trên đường phố. Dù công nghệ hỗ trợ người lái ngày càng thông minh, thì trong nhiều tình huống, khả năng quan sát bằng mắt vẫn là yếu tố quyết định. Một đứa trẻ thấp người băng qua đầu xe, một người đi bộ xuất hiện ở vị trí tài xế không thể nhìn thấy vì góc khuất, hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân dù xe có trang bị bao nhiêu camera hay cảm biến đi nữa. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng trong đô thị, nơi tốc độ di chuyển thấp nhưng rủi ro va chạm với người đi bộ rất cao.

Kỹ sư nghiên cứu cấp cao của IIHS, bà Becky Mueller, nhận định: “Kết quả này đặc biệt đáng chú ý khi biết rằng tỉ lệ SUV trong tổng số xe tại Mỹ đã tăng mạnh trong những năm qua. Nếu xu hướng tầm nhìn suy giảm là phổ biến, thì đây có thể là yếu tố đang làm trầm trọng thêm những hậu quả mà thiết kế đầu xe cao, thô đã gây ra”.

Nghiên cứu này là lời cảnh báo cần thiết đối với cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Người mua xe ngày nay thường bị thu hút bởi thiết kế ngoại hình ấn tượng, khoang nội thất tiện nghi, hay công nghệ hiện đại. Nhưng một trong những yếu tố căn bản nhất là khả năng nhìn rõ xung quanh lại không được quan tâm đúng mức. Khi chọn xe, người tiêu dùng nên cân nhắc cả yếu tố quan sát trực tiếp từ ghế lái, đặc biệt nếu thường xuyên di chuyển trong môi trường đô thị đông đúc.

Với các hãng xe, nghiên cứu này gợi mở một bài toán thiết kế quan trọng: làm thế nào để cân bằng giữa xu hướng ngoại hình hiện đại và tính năng an toàn gốc, điều có thể cứu sống con người chỉ bằng một cái nhìn rõ ràng hơn. Công nghệ không thể thay thế hoàn toàn đôi mắt của người lái và trong kỷ nguyên xe thông minh, việc nhìn thấy rõ ràng vẫn phải là điều ưu tiên hàng đầu.

Thanh Trà