Tương lai mới cho ngành titan Quảng Trị
Trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, hệ lụy xấu với môi trường và xã hội, hướng đi mới với titan - chế biến sâu, nâng cao giá trị và EGS là giải pháp tối ưu.

Sau sáp nhập, Quảng Trị là địa phương có tiềm năng đáng kể về tài nguyên thiên nhiên, điều này đặt ra vấn đề bức bách làm sao khai thác chế biến sâu để gia tăng giá trị kinh tế; đồng thời chống thất thoát lãng phí.
Tổ hợp công nghiệp chế biến sâu quặng titan - Monazite do Công ty Cổ phần chế biến khoáng sản Titan Hoàng Long làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 2.000 tỷ đồng - được xây dựng tại khu kinh tế Hòn La trong thời gian 12 tháng kể từ ngày doanh nghiệp được giao mặt bằng.
Lần đầu tiên Quảng Trị có dự án hướng đến mục tiêu chế biến sâu quặng titan và quặng Monazite, sản xuất gang hợp kim, sản xuất Oxit đất hiếm riêng lẻ, Clorua đất hiếm và Sản xuất Natri photphat (Na3PO4).
Quy mô dự án sử dụng tổng diện tích 8,5 ha mặt đất và mặt nước, gồm 02 hợp phần: Nhà máy luyện xỉ titan có hàm lượng trên 85%, công suất thiết kế 100.000 tấn/năm; Gang 50.000 tấn/năm. Nhà máy chế biến quặng Monazite, sản xuất Oxit đất hiếm riêng rẻ 150-200 tấn/năm, Clorua đất hiếm 2.100 tấn/năm, Tri-natri-phosphate 1.100 tấn/năm.
Theo báo cáo dự kiến dự án khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ có doanh thu bình quân 150 triệu USD/năm, đóng góp ngân sách nhà nước \hàng năm 400 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm cho khoảng 400 lao động cả trực tiếp và gián tiếp với mức lương bình quân khoảng 15 triệu đồng/người.
Dự án góp phần thúc đẩy phát triển các ngành nghề phụ trợ cung cấp một số vật tư, dịch vụ cho nhà máy, tạo việc làm gián tiếp cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Titan là một trong những loại khoáng sản có giá trị cao, sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng. Sau khi sáp nhập tỉnh trữ lượng titan tại Quảng Trị ước lượng trên 2 triệu tấn, tập trung phần lớn vùng ở đồng bằng ven biển phía Nam của tỉnh.
Từ trước tới nay việc khai thác titan bừa bãi, thiếu tiêu chuẩn, coi nhẹ trách nhiệm môi trường và xã hội đã để lại những hậu quả nghiêm trọng tại các vùng ven biển. Giá trị mang mại cũng không lớn khi các doanh nghiệp chỉ bán thô sang Trung Quốc.

Mới đây, nhà máy chế biến khoáng sản titan Hoàng Long thuộc Công ty CP Chế biến Khoáng sản titan Hoàng Long đóng tại Khu kinh tế Hòn La đã đón 40 chuyên gia quốc tế đến tham quan khảo sát. Đây là điểm khảo sát thực địa duy nhất tại Việt Nam được lựa chọn trong khuôn khổ “Hội nghị thường niên Hiệp hội Công nghiệp Zircon Quốc tế” (ZIA 2025)
Đại diện ZIA đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc đầu tư công nghệ sạch, thay vì xuất khẩu quặng thô, chuyển sang chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị tài nguyên. Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh thế giới đang siết chặt các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và trách nhiệm với môi trường.
Ông Nguyễn Đức Long - Tổng Giám đốc Công ty Titan Hoàng Long chia sẻ “Chúng tôi kỳ vọng sự kiện sẽ mở ra cơ hội hợp tác công nghệ, tiếp cận các tiêu chuẩn toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam từ nước xuất khẩu thô trở thành đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị ngành Zircon”.
Titan và chiến lược của công ty Hoàng Long là đại diện cho đi mới của ngành khai khoáng tại địa phương: dựa vào công nghệ, đảm bảo nguyên tắc “xã hội, môi trường và quản trị” (EGS) sẽ góp phần “giải oan” cho lĩnh vực kinh tế vốn rất nhạy cảm.