Tín dụng - Ngân hàng

Thúc đẩy cho vay theo chuỗi

Lê Mỹ 02/07/2025 03:29

Nghị quyết 68-NQ/TW nêu định hướng quan trọng về đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, trong đó có các định hướng cụ thể để thúc đẩy hoạt động.

cho vay2
Nghị quyết 68 khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.

Cho vay theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng là một hình thức tài trợ vốn mà các ngân hàng thương mại (NHTM) cung cấp cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân tham gia trong một chuỗi liên kết sản xuất, từ khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm.

Đối mặt nhiều thách thức

Ở Việt Nam, mô hình này đặc biệt được chú trọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số ngân hàng cũng mở rộng hoạt động với các chuỗi cung ứng trong bán lẻ, tiêu dùng,… Tuy nhiên, đến năm 2025, hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị, chuỗi cũng ứng vẫn đối mặt với nhiều hạn chế. Theo báo cáo từ Viện Chiến lược Ngân hàng, mặc dù 87% các NHTM đã triển khai hình thức cho vay này, nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này cho thấy quy mô triển khai còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng.

Một số ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV và Agribank đã tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng, chẳng hạn như bao thanh toán bên bán, hay HDBank cung cấp sản phẩm cho vay theo chuỗi cung ứng đối với các doanh nghiệp trong chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi, eFactory tài trợ chuỗi cung ứng trên công nợ đã hình thành.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho biết, trên nền tảng tổng quy mô hoạt động chuỗi đến cuối năm 2022 đạt gần 20.000 tỷ đồng, luôn duy trì mức tăng trưởng hàng năm hơn 35%, và đã liên thông được với nhiều chuỗi giá trị toàn cầu của HDBank, ngân hàng hướng đến mục tiêu phát triển danh mục tài trợ chuỗi lên 8.000 doanh nghiệp với quy mô lên tới 3 tỷ USD (hơn 60.000 tỷ đồng), phát triển danh mục tài trợ chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp; tài trợ cho nhà cung cấp và nhà phân phối.

Dù một số nhà băng đã tiên phong đi trước, song nhìn chung nhiều NHTM vẫn dè dặt do lo ngại rủi ro khi thúc đẩy tài trợ chuỗi. Nổi cộm là rủi ro trong cho vay theo chuỗi giá trị chủ yếu đến từ các yếu tố như: giả mạo giấy tờ, quản lý tài chính yếu kém của người vay, biến động giá cả thị trường, thời tiết bất thường, và đặc biệt là sự thiếu cam kết giữa các thành viên trong chuỗi. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng "bể kèo" – khi nông dân hoặc doanh nghiệp không tuân thủ hợp đồng tiêu thụ – làm gián đoạn chuỗi liên kết, gây tổn thất cho cả ngân hàng và các bên liên quan.

Ngoài ra, sự thiếu hụt các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thời tiết và cây trồng cũng làm gia tăng lo ngại cho các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, liên kết giữa các NHTM và các thành viên trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.

cho vay
Agribank - một trong các ngân hàng tiên phong cung cấp các sản phẩm tài trợ vốn chuỗi cung ứng.

Giải pháp nào để thúc đẩy?

Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia chuỗi giá trị. Các chính sách khuyến khích như giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ, hoặc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết cần được cụ thể hóa. Ngoài ra, cần ban hành các quy định rõ ràng về chế tài xử lý vi phạm hợp đồng trong chuỗi giá trị để tăng tính ràng buộc giữa các thành viên.

Thứ hai, công nghệ blockchain có tiềm năng lớn trong việc nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong cho vay theo chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp. Với khả năng tạo ra sổ cái giao dịch minh bạch, bất biến và đồng thuận, blockchain giúp giám sát dòng tiền và giảm rủi ro gian lận.

Thứ ba, để đảm bảo tính bền vững của chuỗi giá trị, các ngân hàng cần đóng vai trò "người kết nối", giám sát dòng tiền và thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong chuỗi. Các NHTM nên chủ động thiết kế các sản phẩm tín dụng linh hoạt, như bao thanh toán hoặc tài trợ chuỗi cung ứng, để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, các viện nghiên cứu và tổ chức xã hội nghề nghiệp cần hỗ trợ xác nhận thành viên chuỗi, cung cấp dịch vụ tư vấn về sản xuất và tiêu thụ, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu ra cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải tự nâng lực năng lực để có thể gia nhập vào các chuỗi cung ứng, giá trị có doanh nghiệp lớn dẫn đầu, đảm bảo tránh nút thắt tiếp cận vì “chưa đủ lớn”.

Cuối cùng, việc phát triển sản phẩm bảo hiểm rủi ro và đẩy mạnh chuyển đổi số là hết sức cần thiết, đặc biệt với cho vay chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Từ phía ngân hàng, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả cho vay theo chuỗi giá trị. Việc đơn giản hóa thủ tục và đẩy mạnh cho vay qua kênh trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn nhanh chóng hơn, đồng thời giảm chi phí vận hành cho ngân hàng.

Lê Mỹ