Ô tô - Xe máy

Khát vọng về ngành công nghiệp ô tô lớn mạnh

TRẦN THỦY 04/07/2025 12:47

Đầu tư vào sản xuất ô tô trong thời điểm này rủi ro rất cao. Với những dự án ô tô mới đi vào hoạt động, rủi ro còn cao hơn nữa.

Khát vọng lớn

Nhà máy Ô tô Thành Công Việt Hưng (Quảng Ninh), do Tập đoàn Thành Công đầu tư, đã chính thức cho ra sản phẩm đầu tiên, đó là Skoda Kushaq chiếc SUV cỡ B theo chuẩn châu Âu. Thời gian tới sẽ có thêm các mẫu xe khác lắp ráp tại đây được đưa ra thị trường.

Hiện tại Nhà máy Ô tô Thành Công Việt Hưng có các công đoạn hàn, sơn, lắp ráp và hoàn thiện, với công suất 120.000 xe/năm. Thời gian tới sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng và nâng cao, với các công đoạn sản xuất khác.

Sản xuất ô tô là ngành kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn. Vì vậy, cần có những chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để tạo cơ hội phát triển.
Sản xuất ô tô là ngành kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn. Vì vậy, cần có những chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để tạo cơ hội phát triển.

Cùng với đó, Tập đoàn Thành Công cũng xây dựng hạ tầng công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn, để thu hút các nhà đầu tư sản xuất linh kiện ô tô, tham gia vào chuỗi cung ứng chất lượng cao cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Nếu phát triển, trong tương lai, đây sẽ là một tổ hợp công nghiệp ô tô hiện đại, tầm cỡ khu vực, với đa dạng chủng loại sản phẩm.

Công ty VinFast chính thức khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô điện tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau gần 7 tháng xây dựng. Nhà máy có tổng diện tích 360.000 m2, công suất 200.000 xe/năm, bao gồm các xưởng hàn thân vỏ, sơn, lắp ráp và trung tâm kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, một cụm công nghiệp hỗ trợ có tổng diện tích 240.000 m2 cũng đang được xây dựng và tiếp tục được mở rộng trong các năm tiếp theo. Sự hiện diện của VinFast tại Hà Tĩnh, hứa hẹn đưa địa phương này trở thành trung tâm công nghiệp ô tô lớn của cả nước trong tương lai.

Theo Bộ Công Thương, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam sẽ tăng nhanh trong 20 năm tới. Dự báo tới năm 2030 đạt 7.500 USD/năm và tới 2045 đạt 18.000 USD/năm. Tham khảo thực tế từ một số quốc gia đã từng trải qua những các mức thu nhập này, ước tính đến năm 2030, sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam sẽ lên đến hơn 1 triệu xe/năm và tới năm 2045 từ 5 - 5,7 triệu xe/năm. Có thể thấy, quy mô thị trường rất tiềm năng, cơ hội rất lớn đang mở ra với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Từ dự báo này, Bộ Công Thương đưa ra định hướng, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến năm 2030 đạt 600.000 - 700.000 xe/năm, với tỉ lệ nội địa hóa từ 55% - 60%; đến năm 2045 đạt 4 - 4,6 triệu xe/năm, với tỉ lệ nội địa hóa trên 80%.

Để trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào 2045, đòi hỏi phải có một ngành công nghiệp hùng mạnh. Công nghiệp ô tô luôn có vai trò quan trọng với nền kinh tế, vì nó tạo ra năng suất cao và tăng trưởng cao cho GDP, vì vậy Việt Nam cần làm chủ.

Thách thức lớn

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện có nhiều hạn chế và phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài. Muốn phát triển bền vững, cần lực lượng doanh nghiệp trong nước vươn lên làm chủ ngành sản xuất này. Trong khi đó, môi trường kinh doanh đang có nhiều thay đổi. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tràn vào nhiều.

xe1(1).jpg
Dây chuyền hàn khung xe tại Nhà máy Ô tô VinFast Hà Tĩnh vừa khánh thành.

Giới kinh doanh nhận định, đầu tư vào sản xuất ô tô trong thời điểm này chịu rủi ro cao. Sản xuất ô tô luôn cần tới quy mô lớn để phát triển, nhưng đến nay, các tổ hợp công nghiệp ô tô trong nước vẫn chỉ đạt sản lượng hạn chế. Với những dự án ô tô mới đi vào hoạt động, rủi ro còn cao hơn.

Không những thế, theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô của Việt Nam đang bị thua lỗ, phải dùng lợi nhuận từ lĩnh vực khác bù đắp. Nhiều doanh nghiệp rơi vào “bẫy năng suất thấp”. Vì vậy, đây là thách thức lớn trong việc biến mục tiêu quan trọng thành hiện thực.

GS, TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, hiện tại đã hình thành những “sếu đầu đàn” trong ngành công nghiệp ô tô như Trường Hải, VinFast, Thành Công. Khi có “sếu đầu đàn” dẫn dắt, sẽ mở ra hệ sinh thái và cơ hội phát triển. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp Việt đều có khát vọng xây dựng ngành công nghiệp ô tô lớn mạnh, vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là điều kiện cần. Muốn biến khát vọng thành hiện thực thì vai trò ứng xử của Nhà nước là rất quan trọng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công chia sẻ, sản xuất ô tô là ngành kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn. Vì vậy, cần có những chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để tạo cơ hội phát triển.
Ngoài hỗ trợ “sếu đầu đàn” để làm chủ và dẫn dắt, cần giải quyết vấn đề doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng rơi vào “bẫy năng suất thấp”. Phải có những hỗ trợ mạnh mẽ, thúc đẩy khu vực này chuyển đổi toàn diện, từ mục đích đến quy trình và con người để vươn lên.

Chính phủ cần hành động quyết liêt, ban hành hệ thống chính sách phát triển ngành ô tô với tầm nhìn dài hạn, thông qua những giải pháp hỗ trợ đủ mạnh và đảm bảo thực thi có hiệu quả.

TRẦN THỦY