Phân tích - Bình luận

Kịch bản thuế quan với Hoa Kỳ sau ngày 9/7

Trương Khắc Trà 03/07/2025 04:05

Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư toàn cầu lo ngại xảy ra thêm cú sốc với chuỗi cung ứng toàn cầu sau ngày 9/7/2025 vì Hoa Kỳ không kịp đạt được thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia.

Hoa Kỳ tìm cách thu hẹp thỏa thuận thương mại
Hoa Kỳ tìm cách thu hẹp thỏa thuận thương mại

Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Washington sẽ làm gì tiếp theo với 180 quốc gia, vùng lãnh thổ? Sẽ có thêm cú sốc tiếp theo với chuỗi cung ứng toàn cầu? Dòng vốn đầu tư toàn cầu chảy về đâu để tránh thuế quan?

Từ tham vọng ban đầu “mỗi ngày một thỏa thuận”, giờ đây Nhà Trắng được cho là chọn cách tiếp cận hoàn toàn mới, tìm cách đạt được cam kết từng phần với từng quốc gia, đối tác thương mại.

Các quan chức thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ hiện đang tìm kiếm các thỏa thuận hẹp hơn với các quốc gia khác để đảm bảo có “kết quả” trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc.

Nếu các quốc gia đồng ý về các thỏa thuận thương mại hẹp hơn sẽ được Hoa Kỳ miễn mức thuế quan đối ứng như đã công bố ngày 2/4, nhưng vẫn phải chịu mức thuế hiện tại là 10%, trong khi các cuộc đàm phán về các vấn đề khó khăn hơn vẫn được tiếp tục.

Ví dụ, với Trung Quốc, tiến triển đàm phán khả quan nhất với Hoa Kỳ chỉ gói gọn trong lĩnh vực đất hiếm. Đổi lại, một số nới lỏng nhất định về kiểm soát công nghệ bán dẫn.

Cho đến nay chỉ duy nhất vương quốc Anh đạt được thỏa thuận toàn diện nhất với Hoa Kỳ, còn lại ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ chỉ gửi một loạt thư cho các đối tác thương mại xác định mức thuế quan mới sau khi kết thúc gia hạn thuế quan.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết rằng trọng tâm vẫn là thuế quan đối ứng, trong khi các khoản thuế riêng biệt theo từng ngành, chẳng hạn như thuế đối với thép, ô tô và dược phẩm, có thể được giải quyết sau. Ông Scott Bessent không loại trừ "nguy cơ tăng thuế quan vào tuần tới là có thật”.

Cái khó lường nhất với các quốc gia là không rõ Tổng thống Trump chọn thời điểm nào để chốt lại vấn đề. Báo cáo mới đây của Financial Times cho biết, chưa rõ liệu ông Trump có tuân thủ mốc thời gian chấm dứt lệnh tạm dừng thuế quan trong 90 ngày hay không.

Nhiều nhà quan sát lo ngại, các chính sách thương mại “không khả thi” của ông Trump sẽ tạo ra nhiều bất ổn hơn và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng hỗn loạn.

Cuộc chiến thương mại có thể gây ra những hậu quả cho an ninh toàn cầu, các liên minh chiến lược và trật tự kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Là một phần của bức tranh lớn hơn, một sự sắp xếp lại quyền lực toàn cầu có khả năng dẫn đến bất ổn lớn hơn.

Trương Khắc Trà