Thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng mới
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng mới quản lý, hỗ trợ liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1459/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Hải Phòng.
Theo quyết định, thành lập BQL KKT Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất BQL KKT Hải Phòng và BQL các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hải Dương.
BQL KKT Hải Phòng là cơ quan trực thuộc UBND TP Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn TP Hải Phòng; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Được biết, trước khi thành lập BQL KKT Hải Phòng mới, BQL KKT Hải Phòng (cũ) đã khẳng định vai trò là đầu tàu trong tham mưu, hoạch định chiến lược và triển khai nhiệm vụ phát triển công nghiệp, là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của thành phố trong những năm qua. Hàng năm, giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT đều chiếm trên 80% tổng giá trị tương ứng của toàn TP Hải Phòng (cũ).
Đặc biệt, giai đoạn 2020 – 2025, BQL KKT Hải Phòng đã thu hút được 18,6 tỷ USD vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng thêm, đạt tăng trưởng ngoạn mục 206% so với nhiệm kỳ trước, chiếm 97% tổng vốn FDI thu hút toàn TP Hải Phòng (cũ) trong cùng kỳ, chiếm 49% tổng vốn FDI dự kiến thu hút từ trước đến hết năm 2025 (37,8 tỷ USD với 645 dự án), khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hàng đầu.
Đối với vốn đầu tư trong nước (DDI), gia đoạn 2020 – 2025, tổng vốn đầu tư thu hút dự kiến đạt hơn 481 nghìn tỷ đồng, gấp 4,5 lần nhiệm kỳ 2015-2020. Luỹ kế đến hết năm 2025, các KCN, KKT dự kiến thu hút 241 dự án DDI với tổng vốn đăng ký trên 600 nghìn tỷ đồng.
TP Hải Phòng (cũ) có 8 KCN mới với gần 3.000ha đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, sẵn sàng đón những dòng vốn mới. Đặc biệt, KKT ven biển phía Nam được thành lập rộng 20.000ha, với hạt nhân là Khu thương mại tự do thế hệ mới sẽ mở ra một chương phát triển lịch sử, đầy tiềm năng cho thành phố.
Đối với BQL các KCN tỉnh Hải Dương (cũ), lũy kế hết năm 2024, các KCN đã thu hút 440 dự án đầu tư, bao gồm 331 dự án FDI với tổng vốn 6,6 tỷ USD và 92 dự án DDI với tổng vốn 19.282 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tỉnh Hải Dương (cũ) được chấp thuận phát triển 32 KCN với tổng quy mô diện tích khoảng 5.661ha. Đã thành lập được 17 KCN với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết khoảng 2.738ha. Trong đó, 12/17 KCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh, 4 KCN đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, 1 KCN đang triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch đến năm 2030, TP Hải Phòng mới sẽ có 46 KCN với tổng diện tích khoảng 12.000ha. Đây chính là nền tảng vàng cho các nhà đầu tư toàn cầu chọn khu vực này làm điểm đến dài hạn.
.jpg)
Hiện, TP Hải Phòng trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: LG (với hệ sinh thái đầu tư 9,24 tỷ USD), Bridgestone (1,22 tỷ USD), Regina Miracle (1 tỷ USD), Pegatron (1 tỷ USD)... Đặc biệt, quy mô, chất lượng các dự án đầu tư trong các KCN, KKT của TP Hải Phòng ngày càng tăng cao, chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch, nhất là dự án về bán dẫn và chíp điện tử, lựa chọn nhà đầu tư lớn có uy tín trên thế giới, thân thiện với môi trường và giảm dần các dự án sử dụng nhiều lao động.
Với việc thành lập BQL KKT Hải Phòng mới sau hợp nhất, BQL KKT Hải Phòng mới ưu tiên hàng đầu là các đột phá về mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xác định vai trò bứt phá của KKT ven biển phía Nam như một cực tăng trưởng mới của thành phố.
BQL KKT sẽ phát triển thêm 10 - 20 KCN mới, quyết liệt chuyển dịch các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái. Đồng thời, hoàn thành xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng KKT ven biển phía Nam, hoàn thành chủ trương thành lập KKT chuyên biệt. Cùng với đó, xây dựng ít nhất 5 KCN thông minh, quản lý bằng khoa học công nghệ, đi đầu trong chuyển đổi số, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đang hoạt động luôn duy trì ở mức trên 60%, phấn đấu 100% các KCN mới khởi công đều có quy hoạch và triển khai xây dựng ký túc xá, cơ sở lưu trú cho công nhân…
Đặc biệt, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện và đưa vào vận hành hiệu quả Khu Thương mại tự do thế hệ mới, tận dụng tối đa dư địa phát triển sau hợp nhất hai địa phương. Tất cả nhằm tạo nên xung lực phát triển mới, góp phần đưa TP Hải Phòng mới hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ: “Việc hợp nhất các địa phương chắc chắn sẽ tăng tính minh bạch hơn, giúp các nhà đầu tư dễ dàng định hướng hơn”.