Chuyên đề

Những con số thuế quan 20% và 40%: Vẫn cần chờ kết quả chi tiết

Lê Mỹ 03/07/2025 12:00

Trên mạng xã hội, Tổng thống Trump thông tin những con số thuế quan trong thỏa thuận với Việt Nam. iới chuyên môn cho rằng vẫn cần kết quả với các mặt hàng chịu thuế cụ thể.

Trong một bài đăng trên Truth Social lúc 9h tối ngày 2/7, ông Donald Trump chia sẻ: "Tôi vinh dự thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam sau cuộc trao đổi với Tổng Bí thư Tô Lâm". Theo ông Donald Trump đánh giá, đây sẽ là một thỏa thuận hợp tác lớn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump cũng chia sẻ dự kiến Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20%, thay vì mức đề xuất ban đầu là 46%, cho mọi hàng hóa đưa vào lãnh thổ Hoa Kỳ, và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Đổi lại, Việt Nam sẽ trao cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận thị trường để giao thương với 0% cho mọi loại hàng hóa từ Mỹ.

Theo HUBA, quyết định tăng thuế nhập khẩu của Mỷ và chính sách thắt chặt hàng rào thuế quan của Trung Quốc làm các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đối diện các khó khăn mới. Ảnh minh họa
Thông tin về kết quả đàm phán sơ bộ Việt - Mỹ do Tổng thống đưa ra trên mạng xã hội, theo các chuyên gia vẫn cần công bố chính thức từ 2 phía với chi tiết cụ thể. Ảnh minh họa

Với việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 20% cho hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và 40% cho các hàng hóa quá cảnh sang Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh, tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về các mặt hàng sẽ chịu thuế cụ thể.

Theo đó, ông Minh cho rằng có 3 khả năng chúng ta sẽ nên hiểu theo là: Một là chúng ta sẽ có khoảng khung áp thuế 10-20% hay là áp đồng đều lên các mặt hàng 20% hay là 20% là mức trung bình (nghĩa là cũng sẽ có các ngành chịu mức thuế trên 20%). Tuy nhiên, như tinh thần chung mà Mỹ muốn áp thuế cho hàng hóa Việt Nam là giảm sự lệ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc cho nên chúng tôi vẫn nghĩ có khả năng sẽ áp dụng 10-20% cho các hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và mức thuế được áp dụng tùy vào tỷ lệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc, theo ông Minh.

Như vậy, nếu khả năng khung thuế quan từ 10-20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đây cũng là dấu hiệu tích cực mặc dù nó vẫn cao hơn so với kỳ vọng của Yuanta Việt Nam trước đó là 10-15%. Do đó, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn cao hơn so với Trung Quốc và cũng có thể với các nước trong khu vực (nhưng cần chờ quan sát thêm mức thuế cụ thể cho từng quốc gia).

Mức 40% được áp dụng cho hàng hóa trung chuyển sang Việt Nam, điều quan trọng là định nghĩa và quy định cụ thể cho hàng hóa trung chuyển là gì và Việt Nam sẽ có các giải pháp như thế nào để thỏa thuận với Mỹ.

Các cổ phiếu Nike và da giày khác, Apple của Mỹ đã tăng giá tích cực sau thông tin này cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan hơn về kết quả đàm phán sơ bộ này.

"Nhìn chung, vẫn chưa có mức áp dụng cụ thể và quy định chi tiết cho từng ngành hàng chịu thuế. Tuy nhiên, trong thông điệp lần này của Tổng thống Trump đó là giảm đáng kể thuế quan cho hàng hóa Việt Nam cho thấy tín hiệu tích cực trong đàm phán.

Ngoài việc chi tiết các hàng hóa sẽ có mức áp thuế cụ thể thì vấn đề mà chúng ta cần xem xét đến nữa đó là các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng cho các quốc gia khác là bao nhiêu thì mới có thể đánh giá sự ảnh hưởng của FDI.

Do vây, chúng tôi nhận định trong kết quả đàm phán lần này vẫn mới chỉ đưa ra bộ khung (đã giảm so với bộ khung thời điểm 02/04/2025) và vẫn chưa có kết quả cụ thể nào. Nhưng chúng tôi đánh giá căng thẳng thuế quan đã hạ nhiệt/tích cực và tiếp tục chờ đợi kết quả cụ thể thuế quan", ông Minh nhận định đồng thời cho rằng mức độ ảnh hưởng lên TTCK sẽ thấp hơn. Diễn biến của các cổ phiếu tại Mỹ cũng đang cho thấy tín hiệu lạc quan từ vòng đàm phán lần này. Đồng thời, tương tự như các sự kiện khác thì mức độ tác động của thuế quan cũng sẽ giảm dần vì mức độ tác động vẫn còn chờ thời gian và sự thích nghi khi có mức áp thuế cụ thể cho nên các nhà đầu tư không nên có hành động bán tháo và nhịp điều chỉnh có thể được xem là cơ hội mua vào.

Ngoài ra, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế các cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ thuế quan như xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ,…) và FDI (BĐS khu công nghiệp), chuyên gia lưu ý.

Theo nhận định của Chứng khoán Vietcap, Việt Nam đã chứng kiến mức độ bất định giảm đi khi nhiều khả năng trở thành quốc gia thứ hai đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, với mức thuế được cắt giảm mạnh so với mức đề xuất ban đầu là 46%.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm mơ hồ quan trọng — đặc biệt là trong việc định nghĩa và thực thi khái niệm “hàng hóa trung chuyển”. Một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard ước tính rằng từ 1,7% đến 16,5% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam vào năm 2021 có thể là hàng Trung Quốc được tái định tuyến. Ngành máy móc và điện tử — chiếm khoảng 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2023 và vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc — có thể chịu ảnh hưởng đặc biệt và cần có tiêu chí rõ ràng hơn để đánh giá đầy đủ tác động.

Mặc dù thông báo về mức thuế 20% có thể chỉ là một thỏa thuận khung chưa có thêm chi tiết cụ thể, đánh giá sơ bộ của chúng tôi cho thấy những diễn biến này phù hợp với kịch bản cơ sở: Cuối cùng, Việt Nam có thể sẽ phải chịu mức chênh lệch thuế suất từ 5%–10% so với các quốc gia sản xuất cùng nhóm, với kịch bản tích cực là mức chênh lệch thu hẹp còn 0%–5%, trong khi vẫn duy trì khoảng cách lớn so với mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc (dựa trên mức thuế 55% do Tổng thống Trump công bố đối với Trung Quốc).

Do đó, Vietcap giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 7,2%. Chúng tôi kỳ vọng tác động tiêu cực từ việc Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ giảm có thể được bù đắp bởi đầu tư công tăng cao (dự kiến tăng 35% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2025) và các chính sách hỗ trợ.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích tiếp tục duy trì ưu tiên đối với các nhóm ngành: Ngân hàng, Tiêu dùng, Công nghệ, Vật liệu và Bất động sản. Những cổ phiếu được chọn lọc có tiềm năng tăng giá đáng kể bao gồm: MBB, CTG, VPB, VCB, FPT, FRT, KDH, HPG, MWG, MSN, PNJ, IDC và KBC.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận thị trường Mỹ tốt hơn cho hàng xuất khẩu Việt Nam cũng có thể mang lại lợi ích cho VEA (thông qua cổ phần trong Ford Việt Nam), các doanh nghiệp hàng không (nhờ tiềm năng tăng đơn đặt hàng máy bay), và các cổ phiếu liên quan đến LNG như GAS, Phòng Phân tích Vietcap chia sẻ.

Lê Mỹ