Chính sách - Quy hoạch

Cơ hội lịch sử cho thị trường bất động sản

Yến Nhung 03/07/2025 17:43

Hàng loạt chính sách cải cách pháp lý mạnh mẽ cùng tiến trình sáp nhập tỉnh thành đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho thị trường bất động sản.

Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Quá trình này được thúc đẩy bằng các cải cách thể chế, chính sách và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp mang tính đột phá, chưa từng có tiền lệ, mang lại những luồng gió mới đầy sinh lực.

VHA_8055 (1) (1)
Diễn đàn "Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới" do TheLEADER tổ chức vào chiều ngày 3/7 tại Hà Nội.

Trong dòng chảy cải cách đó, lĩnh vực bất động sản nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ với việc ưu tiên nguồn vốn và thúc đẩy triển khai giải ngân nhanh cho các dự án hạ tầng lớn trong cả nước, nhằm tạo thuận lợi kết nối; tập trung tháo gỡ cho hàng ngàn dự án (1.533 dự án). Đáng chú ý, từ ngày 1/7/2025, cả nước đã chính thức bước vào tiến trình sáp nhập tỉnh thành. Việc tổ chức lại không gian phát triển mới tầm quốc gia này cùng với những cải cách đột phá về thể chế đang mở ra những thời cơ mới cho cả đất nước nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Tại Diễn đàn "Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới" diễn ra chiều ngày 3/7 tại Hà Nội, PGS, TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mang tính lịch sử. Nền kinh tế đang bước vào chu kỳ tăng trưởng dài hạn, với triển vọng tăng trưởng hai con số trong 20 năm tới, đây chính là nền tảng vững chắc để thị trường bất động sản bùng nổ. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại giang sơn (nhập tỉnh, bỏ huyện) mở ra một cách tổ chức phát triển theo hướng mở rộng, không chỉ không gian vật lý mà là không gian cơ hội, vì lợi thế hay bất lợi thế của các địa phương sẽ cộng hưởng với nhau.

Ông cũng nhấn mạnh đến xu thế phát triển các mô hình đô thị hiện đại như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị công nghiệp công nghệ cao. Sự kết hợp giữa kiến trúc, công nghệ và sáng tạo hứa hẹn mang đến những không gian sống và làm việc hoàn toàn khác biệt. Nếu đi kèm là một hệ thống sàn giao dịch bất động sản minh bạch, hiện đại, thị trường sẽ vận hành theo hướng bài bản và chuyên nghiệp hơn.

VHA_8035 (1)
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo rằng, không thể xem nhẹ những thách thức phía trước. Cải cách thể chế và bộ máy hành chính vẫn đang trong quá trình điều chỉnh, tiềm ẩn nhiều chi phí chuyển đổi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản dù có dấu hiệu hồi phục, nhưng vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được xử lý triệt để. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nếu thiếu các giải pháp mạnh mẽ, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng đang mở ra trước mắt.

Tiếp nối góc nhìn này, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Chuyên gia pháp lý bất động sản nhận định rằng, chưa khi nào việc phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản lại được triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ như hiện nay.

Đơn cử như Luật số 90/2025/QH15 (một luật sửa 9 luật) có nội dung sửa đổi Luật Đầu tư 2020, mở rộng thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với bảy nhóm dự án lớn. Đây vốn là các dự án trước đó thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các dự án khu đô thị, dự án nhà ở (không phân biệt quy mô, diện tích). Tuy nhiên, từ 1/7/2025, các dự án này sẽ thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng được cắt giảm tối đa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2025 sẽ thực hiện miễn giấy phép xây dựng áp dụng với các công trình thuộc dự án đã được cơ quan chuyên môn xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở) tại khu vực đã có quy hoạch 1/500 được duyệt hoặc thiết kế đô thị được duyệt. Quy định này góp phần đơn giản hóa quy trình đầu tư xây dựng cho các doanh nghiệp.

Đối với nhà ở xã hội, Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc đã thiết kế các chính sách pháp lý ưu đãi đặc biệt về mặt thủ tục để rút ngắn hơn thời gian thực hiện thủ tục lập dự án. Nghị quyết cho phép UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư mà không phải tổ chức đấu thầu với các dự án nhà ở xã hội; không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500; không phải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (thiết kế cơ sở) tại cơ quan xây dựng.

Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan xây dựng được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng; trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình thì được miễn giấy phép xây dựng. Những cơ chế đặc thù này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ, giảm bớt thủ tục hành chính, sớm hiện thực hóa mục tiêu tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp.

Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục, theo ông Tuấn, Quốc hội cũng ban hành chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn pháp lý về dự án, đất đai. “Quá trình tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp và cải cách thể chế đang tạo ra không gian phát triển chưa từng có cho đất nước”, Luật sư Phạm Thanh Tuấn chia sẻ.

Yến Nhung