Tín dụng - Ngân hàng

VietinBank bứt tốc nhờ lợi thế

Lê Mỹ 04/07/2025 03:58

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục là động lực cho triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng khi kết quả doanh thu vẫn phụ thuộc phần lớn vào hoạt động tín dụng.

vietinbank1.jpg
Tăng trưởng tín dụng của VietinBank giai đoạn 2014-2024. Nguồn: CTG, FiinProX, SHS Research

Với NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG), tăng trưởng tín dụng vượt bậc của ngân hàng đang được kỳ vọng tiếp đà bứt tốc nhờ “phép lợi thế”.

Đà tăng trưởng tín dụng ấn tượng

Về vốn điều lệ, từ chỗ ngân hàng dẫn đầu hệ thống vào 2021, VietinBank đang tạm thời tụt lại so với Vietcombank, VPBank, Techcombank và BIDV, song cũng đang ấp ủ kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ.

Tuy nhiên, xét về tăng trưởng tín dụng, theo số liệu ước tính (chưa có báo cáo tài chính bán niên), VietinBank đang “gây sốc” với những con số ấn tượng khi ghi nhận ước đạt 10% so với cuối năm 2024, tương đương khoảng 1,98 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay. Còn nhớ vào đầu năm 2025, VietinBank đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 4,6% trong quý I và 5% vào đầu tháng 4, vượt tốc độ tăng trưởng toàn ngành ngân hàng trong cùng kỳ. Các con số này cho thấy đà bứt tốc của ngân hàng này ngay từ khởi động 2025, từ bệ phóng là ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng dẫn đầu nhóm quốc doanh vào năm 2024 và thứ 3 toàn ngành, đạt khoảng 16,9% so với đầu năm, với dư nợ cho vay khách hàng đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng cao nhất khi vượt qua BIDV (15,3%), Vietcombank (13,7%) và Agribank (11%).

Theo dự báo của SSI, VietinBank có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng 17,5% trong năm 2025, tương đương dư nợ cho vay khoảng 2,03 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của VietinBank tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bao gồm cả phân khúc doanh nghiệp và bán lẻ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Cho cả năm 2025, Vietcap cũng nhận định VietinBank có triển vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, dựa trên (1) nhu cầu tín dụng được cải thiện nhờ sự tăng tốc của tăng trưởng kinh tế, (2) các ngân hàng quốc doanh như VietinBank sẽ hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, và (3) VietinBank tiếp tục tăng thị phần trong mảng bán lẻ.

Điều kiện cải thiện lợi nhuận

Tại cuối 2024, gánh nặng về dự phòng xử lý nợ xấu của VietinBank, vắt qua 2025, vẫn khiến ngân hàng cần lực xử lý để cải thiện khả năng sinh lời của ngân hàng tương ứng tăng trưởng doanh thu. Tại cuối 2024, dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,25%, giảm so với mức 1,45% vào giữa năm, nhưng tổng nợ xấu đạt khoảng 21.473 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2023. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 47,5%, chiếm 64,4% tổng nợ xấu.

VietinBank xác định rằng nhân tài số là yếu tố then chốt thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, là nền tảng năng lực đảm bảo thành công trong chuyển đổi.
VietinBank có triển vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ,.

Theo đó, ngân hàng này đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%, phấn đấu duy trì ở mức 1,2–1,5%, triển khai phân luồng khách hàng và hỗ trợ cơ cấu nợ tổng thể đối với các trường hợp có khả năng phục hồi sau giai đoạn khó khăn tạm thời, hướng đến cải thiện chất lượng tài sản và đảm bảo chất lượng tín dụng trong 2024.

Trên thực tế, trong suốt giai đoạn qua, VietinBank đã chủ động tăng cường xử lý rủi ro/trích lập dự phòng (chi phí tín dụng trung bình 1,7%) để xử lý nợ xấu. Điều này đã làm giảm khả năng sinh lời của ngân hàng và có thể đã phần nào che mất đi kết quả tăng trưởng doanh thu hết sức tích cực của ngân hàng cả trong hoạt động cho vay lẫn các dịch vụ phi tín dụng.

VietinBank đã trích lập khoảng 38.269 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức trích lập này đưa VietinBank lên vị trí thứ hai trong danh sách các ngân hàng có mức trích lập dự phòng rủi ro cao nhất quý I/2025, chỉ sau BIDV. Tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank được kiểm soát ở mức 1,55%, thấp hơn mức 1,8% do ĐHĐCD đề ra. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 136,8%, cho thấy ngân hàng duy trì bộ đệm dự phòng rủi ro ở mức cao so với mặt bằng chung toàn ngành.

VDSC lưu ý mặc dù thuộc nhóm ngân hàng có mức độ kết nối cao hơn tương đối vào hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp FDI, VietinBank vẫn khá tự tin trong việc hạn chế được các ảnh hưởng từ thương chiến lên kết quả kinh doanh năm 2025. Điều này có thể mang hàm ý khả năng kiểm soát chất lượng lợi nhuận thông qua một chuyển biến tích cực đã được chuẩn bị trước.

“Yếu tố này nhiều khả năng đến từ việc kiểm soát chi phí tín dụng với ngân sách dự phòng được dự báo sẽ 'mềm' hơn khi nhiều khoản nợ xấu tiềm ẩn đã được trích lập tương đối đầy đủ trong các năm trước. Mặt khác, yếu tố về NIM vẫn cho thấy rủi ro giảm trong cả năm 2025 là lớn trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với căng thẳng thương mại và cần sự hỗ trợ từ khối NHTM Nhà nước trong việc cắt giảm lãi suất và khả năng tăng tỷ lệ CASA gặp thách thức khi các kênh đầu tư có ít tính liên thông với hệ thống ngân hàng đang thu hút dòng tiền nhàn rỗi”, VDSC nhấn mạnh.

Do đó, các nhà phân tích cho rằng rủi ro thấp và mức chiết khấu về định giá hiện tại (P/B 1,3 lần) được đánh giá là hấp dẫn so với quy mô của một ngân hàng lớn và triển vọng về cải thiện ROE của CTG - cổ phiếu VietinBank.

Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động ngân hàng nào cũng sẽ có rủi ro khách hàng khi tăng trưởng tín dụng không thuận lợi như dự báo. Với các NHTM lớn như VietinBank, kết nối các ngân hàng và dự án trọng điểm lớn sẽ cần kiểm soát chất lượng cho vay cũng như có những kiểm soát vượt chủ quan, ví dụ yếu tố thuế quan với các doanh nghiệp FDI và xuất nhập khẩu. Tỷ lệ LDR cao cũng là yếu tố cần theo dõi với VietinBank trong bối cảnh cạnh tranh huy động và áp lực thanh khoản với các ngân hàng.

17,5% là mức tăng trưởng tín dụng năm 2025 của VietinBank theo dự báo của Công ty SSI.

Lê Mỹ