BÁO CHÍ VÀ DOANH NGHIỆP: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Tọa đàm “Báo chí và Doanh nghiệp: đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” tổ chức sáng 4/7 nhằm tạo không gian để báo chí và doanh nghiệp chia sẻ giải pháp, cam kết đồng hành.
LTS: Môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh là một trong những nền tảng quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2025, cả nước 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng gần 50% GDP, đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của cả nước. Kinh tế tư nhân cũng chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Giải phóng lực lượng sản xuất
Số liệu trên cho thấy, với tiềm lực to lớn, kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo sinh kế cho đa số người dân, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống xã hội.
Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã tham gia trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như: công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, sản xuất và lắp ráp ô tô, vận tải, hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin, nông nghiệp... Khu vực kinh tế tư nhân đã có những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như các tập đoàn Vingroup, Sun Group, Trường Hải (Thaco), Hòa Phát, Masan, FPT, Vinamilk, BRG, T&T Group, Vietjet, TH...
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phải đối mặt với không ít rào cản về vốn, thị trường, chính sách và công nghệ. Khu vực kinh tế tư nhân dù lớn về số lượng nhưng chất lượng hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường.
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, định hình các giải pháp đột phá nhằm đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Nghị quyết 68 ra đời đã thổi một làn gió mới vào khu vực kinh tế tư nhân và thiết lập môi trường kinh doanh tự do, minh bạch, bình đẳng.
Đồng hành phát triển
Khi thể chế chuyển từ "quản lý" sang "kiến tạo", doanh nghiệp tư nhân cần nhanh chóng điều chỉnh tư duy từ bị động sang chủ động, từ ngắn hạn sang chiến lược dài hạn. Bối cảnh đó cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho các cơ quan báo chí trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Bà Tracy Vũ - Chuyên gia truyền thông, Giám đốc Chiến lược DigiMind Group đánh giá, báo chí không chỉ là kênh thông tin, mà còn là cầu nối bền vững giữa người dùng và nhà phát triển sản phẩm – giúp phản ánh trung thực nhu cầu, kỳ vọng, lẫn trải nghiệm thực tế của thị trường. Qua đó, báo chí góp phần xây dựng niềm tin, thúc đẩy sự đối thoại hai chiều, và phản ánh kịp thời nhịp đập thị trường đến các cơ quan chức năng. Hơn hết, báo chí còn là chất xúc tác để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa các mô hình tích cực, và tạo điều kiện cho sự phát triển lẫn nhau giữa các bên trong hệ sinh thái kinh tế.
Bà Tracy Vũ cho rằng, trong hành trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, báo chí đóng vai trò như một người bạn đồng hành đáng tin cậy vừa truyền cảm hứng, vừa dẫn dắt tư duy xã hội về vai trò, vị thế và tiềm năng của doanh nghiệp. Đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếng nói từ báo chí có thể giúp họ vươn ra ánh sáng, được nhìn nhận công bằng và được hỗ trợ đúng lúc từ các chính sách.
"Báo chí không chỉ phản ánh sự thật mà còn góp phần tạo ra môi trường đối thoại cởi mở giữa doanh nghiệp và nhà nước, từ đó hình thành các quyết sách phù hợp với thực tiễn thị trường. Là người làm truyền thông, tôi nhìn thấy rõ sức mạnh của báo chí trong việc thúc đẩy niềm tin, lan toả giá trị tốt đẹp, và truyền đi tình thần khởi nghiệp – đổi mới – kiến tạo không ngừng của khu vực kinh tế tư nhân. Trong một thời đại mà thông tin là tài sản quý giá, báo chí chính là chiếc cầu nối giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển mà còn phát triển một cách bền vững", bà Tracy Vũ đánh giá.
Tuy nhiên, để báo chí có thể phát huy tốt vai trò của mình, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, xây dựng mối quan hệ minh bạch, hai chiều với báo chí. Chỉ khi truyền thông và doanh nghiệp cùng chia sẻ mục tiêu phát triển bền vững, thì mới có thể tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng.
Đồng thời, báo chí cũng cần có cái nhìn khách quan, nhân văn đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu. Cần cổ vũ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, chấp nhận cái mới, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, và đặc biệt là giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa lan tỏa giá trị thương hiệu, xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng.
Báo chí và doanh nghiệp, với vai trò và thế mạnh riêng, khi cùng chung tầm nhìn và phối hợp hành động, sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để cùng nhau xây dựng một nền kinh tế Việt Nam tự cường, hiện đại và hội nhập. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số và đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bối cảnh kỷ niệm 100 năm báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025), báo chí được kỳ vọng sẽ đóng vai trò cầu nối, lan tỏa thông điệp và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát huy tối đa tiềm năng, góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Tọa đàm “Báo chí và Doanh nghiệp: Đồng hành Thúc đẩy Phát triển Kinh tế Tư nhân” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 4/7 dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, tạo không gian để báo chí và doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ giải pháp, và cam kết đồng hành.
Bà Công Tằng Tôn Nữ Thuỳ Trang - Tổng Giám Đốc ITO Việt Nam

Là một tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt trong một giai đoạn mà đổi mới sáng tạo và niềm tin thị trường trở thành yếu tố sống còn.
Thứ nhất, báo chí là kênh xây dựng uy tín và minh bạch – điều đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo như chúng tôi. Nhờ báo chí, chúng tôi có thể lan tỏa được các giải pháp mới đến khách hàng, đối tác và thị trường.
Thứ hai, báo chí đóng vai trò truyền cảm hứng, cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng là cách mà truyền thông đang gián tiếp tạo ra động lực phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ ba, báo chí là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách. Những vấn đề, kiến nghị, và khuyến nghị từ doanh nghiệp được báo chí phản ánh kịp thời sẽ giúp tạo nên một môi trường kinh doanh cởi mở và thực chất hơn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc công ty TNHH Phong Lâm:
Việt Nam có hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các SME đang dần trở thành trung tâm của các chiến lược phát triển quốc gia. Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí trong việc hỗ trợ và thúc đẩy khối doanh nghiệp này ngày càng trở nên cấp thiết. Báo chí không chỉ là kênh thông tin đơn thuần mà còn là đối tác chiến lược, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho SME.
Báo chí đóng vai trò then chốt trong việc trở thành cầu nối thông tin tin cậy giữa SME và các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách. Bằng cách phản ánh chân thực những tâm tư, kiến nghị và vướng mắc của cộng đồng SME – đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận vốn do quy mô nhỏ, tài sản bảo đảm hạn chế, hay việc họ cảm thấy “xa vời” với chính sách ưu đãi vì điều kiện chưa phù hợp.
Trong kỷ nguyên mới, nơi tốc độ lan truyền thông tin nhanh đến chóng mặt, báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là “người bạn đồng hành tin cậy” tham gia vào quá trình kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển lâu dài.
Bà Mai Dung – Giám đốc công ty Aricama

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chúng tôi thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai cho đến thiếu hụt thông tin hữu ích quan trọng. Báo chí chính là nguồn thông tin tin cậy trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin như hiện nay.
Báo chí có vai trò định hướng dư luận một cách mạnh mẽ, giúp xây dựng hình ảnh tích cực về doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân, bao gồm các SME. Báo chí là một kênh cảnh báo rủi ro và lan tỏa tri thức vô cùng quý giá cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi thường thiếu thông tin về các bất cập trong môi trường kinh doanh, hay các thay đổi quan trọng trong pháp luật. Báo chí, với vai trò phản ánh thực tiễn đã giúp chúng tôi nhiều thông tin hữu ích.
Đồng thời, báo chí cũng là cầu nối giúp chúng tôi tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu, và cập nhật xu hướng tiêu dùng, chuyển đổi số hay kinh doanh xanh. Đây là những tri thức sống còn giúp SME nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh luôn biến động.
Sự đồng hành này giúp chúng tôi, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội phát triển trên thị trường.