Mở rộng dư địa cho du lịch Đà Nẵng
Khi Đà Nẵng và Quảng Nam sáp nhập, việc phát triển du lịch xanh được quan tâm hơn khi liên kết nhiều điểm đến văn hóa, lịch sử.
Thành phố Đà Nẵng mới có cơ hội định hình lại bản đồ du lịch miền Trung Việt Nam, hướng đến trở thành trung tâm du lịch quốc gia và mang tầm quốc tế.
Du lịch xanh được chú trọng
Có thể thấy, thành phố Đà Nẵng mới đang có thế mạnh về hạ tầng, du lịch đô thị và cả du lịch xanh. Địa phương nay hội tụ nhiều tài nguyên du lịch đặc biệt với hệ thống Di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, khu du lịch Bà Nà, bán đảo Sơn Trà,,...
Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình du lịch sinh thái, văn hóa, trải nghiệm,... gắn với du lịch xanh. Đặc biệt hơn, khi Đà Nẵng còn có sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt chuẩn 4F, sân bay Chu Lai nâng cấp theo chuẩn 4F, hệ thống khách sạn 4-5 sao đồng bộ,...

Ngoài ra, vị thế của Quảng Nam (cũ) đã được xác lập là một điểm đến du lịch xanh của khu vực và quốc tế với nhiều doanh nghiệp đượ trao chứng nhận du lịch xanh. Từ đây, các mô hình du lịch xanh góp phần định hình thương hiệu địa phương, nâng cao nhận thức, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và du khách về gìn giữ, bảo tồn tài nguyên du lịch và phát triển bền vững.
Nhiều doanh nghiệp đề xuất, thành phố Đà Nẵng (mới) cần áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh, xem đó như nền tảng để phát triển du lịch địa phương. Tiếp đến, xây dựng thêm kế hoạch mới về triển khai mô hình du lịch xanh hướng ngành du lịch phát triển bền vững và tạo ra lợi thế cạnh tranh toàn cầu.
Ông Olivier Messmer - chuyên gia trưởng Dự án ST4SD (Thụy Sĩ) cho rằng ngành du lịch địa phương cần nên phát triển chương trình chứng nhận địa phương phản ánh giá trị bản địa. Qua đó góp phần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ công-tư giữa giữa cộng đồng, doanh nghiệp và các cấp quản lý địa phương,...
“Đặc biệt cần đề cao việc bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa và thiên nhiên,... trong tương lai”, vị này khuyến nghị.
Gia tăng các sản phẩm có thế mạnh
Theo đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu khách du lịch đường thủy sẽ chiếm khoảng 15-20% tổng lượng khách lưu trú, và đến 2045 nâng lên 20-25%. Từ đây, địa phương đã lên định hướng hình thành hệ thống cảng, bến đạt chuẩn, bổ sung tàu cao tốc, du thuyền, tàu lưu trú, và phát triển dịch vụ gắn với sông nước.

Với các hệ thống sông đa dạng như sông Hàn, sông Cu Đê, Cổ Cò (đang nạo vét) và sông Thu Bồn,,, cùng với các tuyến vận tải thủy ra đảo, phát triển hệ thống dịch vụ tại bến, bổ sung phương tiện cao cấp, siêu sang. Các điều kiện này tạo ra nguồn tài nguyên lớn để Đà Nẵng gia tăng các sản phẩm mới, mang tính đặc trưng.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt An Group đề xuất một số giải pháp để phát triển tiềm năng du lịch đường sông tại Đà Nẵng như khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng như bến thủy nội địa, bến dừng chân đạt chuẩn trên các tuyến sông. Đồng thời, tái hiện không gian văn hóa ven sông, tạo điểm nhấn để giữ chân du khách từ giá trị văn hóa địa phương.
“Cuối cùng là phải hoàn thành khơi thông tuyến sông Cổ Cò từ phường Ngũ Hành Sơn về hướng Hội An để hình thành tuyến du lịch văn hóa - sinh thái liên vùng…”, vị này đề xuất.
Tương tự, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng việc khơi thông sông Cổ Cò, kết nối với Hội An, đồng thời phát triển tuyến sông Túy Loan, Cu Đê; tuyến sông Đô Tỏa- Thu Bồn... sẽ hình thành một hệ sinh thái đường thủy cho du lịch Đà Nẵng. Ông Dũng lưu ý rằng việc phát triển hệ thống đường thủy sẽ tạo thêm động lực để các doanh nghiệp khai thác du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hóa - tâm linh,...
“Hệ sinh thái du lịch đường thủy không chỉ dựa vào một tour ngắm sông Hàn khoảng 1 giờ đồng hồ như hiện nay mà cần một hệ thống đồng bộ với dịch vụ nhà hàng, làng nghề, điểm dừng chân, check-in, mua sắm… Đà Nẵng cần quy hoạch đồng bộ về bến bãi, lòng sông đủ sâu để tàu du lịch di chuyển, các điểm dừng nghỉ cho du khách phải kết nối với làng nghề, chùa chiền, thắng cảnh”, ông Dũng đề xuất.
Theo định hướng, thời gian tới Đà Nẵng sẽ triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch gồm đột phá về sản phẩm du lịch; đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch; đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục du lịch. Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế, đặc biệt là kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, trải nghiệm… theo hướng khai thác thế mạnh đặc trưng vùng, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới riêng có.