Doanh nghiệp chờ thông tin rõ ràng hơn về mức thuế mới từ Mỹ
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có sự thay đổi tích cực sau cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo đứng đầu.
Sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng như thỏa thuận về thuế đối ứng giữa hai nước, hiệu quả tốt đẹp của cuộc điện đàm là Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ nhập vào Việt Nam.

Ông Donald Trump cho biết sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ và tiếp tục giải quyết các vướng mắc trong thương mại hai chiều.
Tuy chưa có họp báo công khai, văn bản chính thức, nhưng đây cũng là thông tin được các doanh nghiệp mong đợi khi gần tới thời điểm chốt là ngày 9 tháng 7 năm 2025, Mỹ sẽ áp dụng thuế bổ sung đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Như nội dung ông Donald Trump đăng tải: Mức thuế 20% được áp đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mức thuế 40% đối với hàng hóa bị coi là “trung chuyển”, trong khi các sản phẩm của Mỹ vào Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%.
Điều đáng mừng đầu tiên là mức thuế áp 20% là thấp hơn nhiều so với mức thuế 46% mà Mỹ từng đưa ra trong bảng áp thuế trước đây.
Thêm nữa, Việt Nam là quốc gia sớm đạt được thỏa thuận về mức thuế với Mỹ so với nhiều nước trên thế giới, chứ chưa nói đến các quốc gia láng giềng bên cạnh. Việc này sẽ giúp Việt Nam sớm hoạch định chính sách, phân bổ dự toán, phân tích thị trường nhanh hơn các nước khác, thể hiện chính sách ngoại giao linh hoạt và phản ứng nhanh nhạy.
Đáng chú ý, với mức thuế 0% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ, người dân Việt Nam sẽ tiếp cận nông sản, thực phẩm (ngô, đậu nành, thịt bò…) của Mỹ, những sản phẩm có chất lượng cao với giá hợp lý.
Dòng trạng thái của ông Trump còn nhắc đến vấn đề ô tô: “Dòng xe SUV hay ‘xe động cơ lớn’, vốn rất thành công tại Mỹ, sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời cho dải sản phẩm ô tô đa dạng ở Việt Nam”. Như vậy, những người yêu xe, chơi xe Mỹ ở Việt Nam sẽ thuận tiện tiếp cận và sở hữu các dòng xe Ford, Cadillac, Chevrolet, F-150 Raptor R… Xe Nhật lắp ráp tại Mỹ cũng sẽ ngược về Việt Nam với tiêu chuẩn Mỹ.
Trước diễn biến này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra thận trọng và cho rằng cần thêm thời gian cũng như dữ liệu cụ thể để có thể đưa ra đánh giá toàn diện về tác động thực chất của các điều chỉnh thuế quan nêu trên.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành xuất khẩu tôm – cho rằng hiện còn hai yếu tố quan trọng đang được chờ đợi.
Thứ nhất, cần có công bố chính thức từ Bộ Thương mại Mỹ về mức thuế áp dụng đối với từng nhóm hàng hóa cụ thể. Trong lĩnh vực thủy sản, mức thuế có thể khác biệt đáng kể giữa các chủng loại sản phẩm – do đó, việc phân loại rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược thị trường của doanh nghiệp.
Thứ hai, kết quả đàm phán chính thức từ phía Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các điều kiện tiếp cận thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Ông Lực nhận định rằng chỉ khi đầy đủ cả hai yếu tố nêu trên, doanh nghiệp mới có thể tái đánh giá lợi thế so sánh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia cùng ngành.
Trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều biến động, việc giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu cụ thể đang trở thành yêu cầu cấp thiết với cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Trần Đức Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Technology, các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chủ động trong cả khai thác thị trường nội địa lẫn mở rộng quan hệ quốc tế.
Cụ thể, bên cạnh việc xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong nước một cách bài bản và hiệu quả hơn, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và thiết lập kết nối với các đối tác đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Đây là bước đi chiến lược giúp tận dụng ưu đãi thuế quan, giảm rào cản kỹ thuật và mở rộng không gian xuất khẩu.
Song song với hoạt động đối ngoại, ông Hòa cũng nhấn mạnh vai trò của liên kết nội địa. Doanh nghiệp cần thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các đối tác trong nước nhằm hình thành chuỗi giá trị đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện – từ chất lượng sản phẩm đến khả năng đáp ứng quy mô và tốc độ thị trường.
Chia sẻ tại một diễn đàn kinh tế gần đây, ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh rằng trong bối cảnh nhiều yếu tố toàn cầu nằm ngoài tầm kiểm soát, điều quan trọng với Việt Nam là cần tập trung vào những biện pháp có thể chủ động thực hiện để nâng cao nội lực nền kinh tế.
Theo ông Hùng, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa chính là ba trụ cột then chốt cần được ưu tiên. Đây không chỉ là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, mà còn là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả các cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc hoạt động sản xuất theo hướng hiện đại, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và các mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế cũng như các cam kết phát triển bền vững.
Dù sao, đây cũng mới chỉ là thỏa thuận và được công khai trên mạng xã hội, chưa có hiệu lực tức thì. Nhưng điều đó cho thấy mối quan hệ tin cậy giữa hai quốc gia. Và giờ là lúc doanh nghiệp Việt Nam thể hiện bản lĩnh của mình.