Kinh tế địa phương

Tây Ninh: 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế tăng trưởng 8,6%

Thùy Linh 27/06/2025 15:58

6 tháng đầu năm 2025, GRDP của tỉnh Tây Ninh ước tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông - lâm - thuỷ sản tăng 4,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,8%, dịch vụ tăng 7,4%...

Ngày 27/6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh họp phiên thứ 59 cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Võ Đức Trong và quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh chủ trì hội nghị.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 59.1
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 59 diễn ra ngày 27/6/2025

Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 8% lên mức phấn đấu 10%, tạo tiền đề tăng trưởng cho giai đoạn 2026-2030.

6 tháng đầu năm 2025, dự kiến tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện trên 32.600 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông - lâm - thuỷ sản tăng 4,4%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,8%, khu vực dịch vụ tăng 7,4%, thuế sản phẩm – trợ cấp sản phẩm tăng 5,1%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 15,4%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều tăng sản lượng; tỉnh hỗ trợ 8 đề án khuyến công cho doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt trên 66.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, khách tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt, đạt 63% kế hoạch, tăng 3,5% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 2.700 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện trên 7.300 tỷ đồng, đạt 56% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó, có 7/16 khoản thu nội địa đạt từ 50% trở lên so với dự toán, có 7/9 huyện, thị xã thu ngân sách đạt trên 50% dự toán.

dsc00400.jpg
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh phát biểu về một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025.

Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đạt kết quả khả quan với 45 dự án/ tổng vốn thu hút đầu tư ước đạt trên 6.300 tỷ đồng và gần 416 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh có 459 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 37,8% về số doanh nghiệp, tăng 20,9 lần về số vốn so cùng kỳ. Các dự án trọng điểm trên địa bàn đã và đang được UBND tỉnh, các ngành và địa phương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX năm 2024 của Tây Ninh cải thiện rất tích cực. Trong đó, chỉ số PAPI tăng 58 bậc, xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAR INDEX tăng 13 bậc; chỉ số PCI duy trì thứ hạng 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về công tác quy hoạch, tỉnh Tây Ninh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045; hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đến năm 2045 và đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh.

Thành phố Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh; thị xã Trảng Bàng và thị xã Hoà Thành được công nhận là đô thị loại III.

Trong công tác an sinh xã hội, tỉnh đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa và bàn giao 697 căn nhà (100% kế hoạch) thuộc Đề án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và Đề án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo tỉnh trước ngày 30/4/2025.

Đặc biệt, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được tỉnh thực hiện bảo đảm nội dung, yêu cầu tiến độ, chất lượng theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Tỉnh Tây Ninh đã tổ chức cho 6 xã, phường mới thực hiện vận hành thử trước ngày 25/6; đồng thời bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đi vào hoạt động mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025.

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi về tiến độ thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh; vấn đề bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khi đến làm việc tại trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh đặt tại Long An hiện nay sau khi sáp nhập tỉnh; tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025, ông Nguyễn Hồng Thanh, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị hệ thống chính trị nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy sau khi sáp nhập tỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thu hút đầu tư, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án thành phần 4 của dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài cũng như tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản công sau sáp nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực nội địa cũng như trên tuyến biên giới.

Thùy Linh