Lai Châu: Định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch bằng giá trị nguyên bản
Nơi cuối trời Tây Bắc có Lai Châu - mảnh đất đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch nhờ vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ và bức tranh văn hóa đa sắc của 20 dân tộc cùng sinh sống.
Trong dòng chảy phát triển, Lai Châu không chạy theo xu hướng đô thị hóa ồ ạt mà kiên định xây dựng hình ảnh một điểm đến khác biệt, nơi “giữ hồn núi” và chạm vào chiều sâu văn hóa bản địa.

Sức hút chốn “bồng lai tiên cảnh”
Nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên, Lai Châu sở hữu vị trí chiến lược thuận lợi cùng cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, hệ sinh thái đa dạng vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc tự nhiên và văn hóa đặc sắc.
Với giới yêu thích khám phá, Lai Châu là điểm đến trong mơ bởi nơi đây quy tụ tới 6 trong Top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn… Không chỉ có độ cao khắc nghiệt, các đỉnh núi này còn sở hữu vẻ đẹp hùng tráng bậc nhất cả nước, nơi rừng đỗ quyên cổ thụ rực nở vào mùa xuân, mây mù bao phủ quanh năm tạo nên khung cảnh “bồng lai tiên cảnh”.
Lai Châu cũng là nơi có quần thể các hang động kỳ vĩ như: Tiên Sơn, Ông Tiên, Gia Khâu và đệ nhất động Tây Bắc Pusamcap. Nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển được ví như Sa Pa thứ hai của vùng Tây Bắc với khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình năm chỉ khoảng 18 độ C.
Ngoài ra, mảnh đất địa đầu Tổ quốc còn tạo nên sức hút đặc biệt vơi nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp khác như đèo Ô Quy Hồ, thác Tác Tình, đồi chè Tân Uyên, cao nguyên Sìn Hồ, cánh đồng Mường Than…; Các di tích lịch sử như di chỉ khảo cổ học Nậm Tun, địa điểm lưu niệm Vua Lê Thái Tổ, dinh thự Đèo Văn Long, hang Kháng chiến Nà Củng, đền thờ Nàng Han…

Đến với Lai Châu, du khách có cơ hội trải nghiệm những điểm du lịch mạo hiểm và sinh thái như dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” ở bản Sì Thâu Chải, trekking xuyên rừng nguyên sinhhay hành trình khám phá đệ nhất động Tây Bắc Pusamcap…
Ông Hoàng Quốc Việt, người sáng lập Pu Lai Châu Travel chia sẻ, Lai Châu sở hữu ba giá trị độc nhất không nơi nào có. Thứ nhất là dãy núi với nhiều đỉnh cao và đẹp nhất Việt Nam. Thứ hai, là cộng đồng dân tộc với bản sắc chưa pha tạp. Thứ ba, là một hệ sinh thái rừng nguyên sơ được gìn giữ nhờ ý thức cộng đồng, tạo nên nền tảng lý tưởng cho du lịch bền vững. Điểm đặc biệt là hệ sinh thái rừng nguyên sơ ở đây vẫn được giữ gìn rất tốt, nhờ vào sự đồng hành của chính quyền và ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân địa phương.
Điểm cộng từ bản sắc đặc trưng
Mảnh đất Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa, kiến trúc, ẩm thực. Với khí hậu và thổ nhưỡng thiên phú cùng bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã tạo ra nhiều đặc sản hấp dẫn, đặc trưng của Lai Châu.
Đến Lai Châu, từ những bản làng như Sin Suối Hồ, Nậm Pung, Tà Mung cho tới chợ phiên San Thàng, du khách có thể cảm nhận rõ nhịp sống chậm rãi, chân thật của người dân vùng cao. Nét đẹp ấy được dệt nên từ trang phục rực rỡ, món ăn dân tộc mang hồn núi rừng như: thịt lợn gác bếp, xôi tím, cá bống vùi do, rượu ngô Sùng Phài… đến những lễ hội truyền thống như: Gầu Tào của người Mông, Tủ Cải của người Dao; múa Xòe, hát Then của dân tộc Thái.
Đặc biệt, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đạt chuẩn ASEAN là một hình mẫu tiêu biểu với bạt ngàn rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang uốn lượn và các bản làng thấp thoáng trên sườn núi trong biển mây mù. Nơi đây còn nổi tiếng bởi lối sống văn minh, xanh - sạch - đẹp (không rác thải, không hút thuốc, không rượu bia) thể hiện sự chuyển mình rõ nét trong cách làm du lịch bền vững.

Hiện nay, Lai Châu đã có 20 điểm du lịch cấp tỉnh, 1 điểm du lịch cộng đồng ASEAN và 2 khu du lịch có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường (trong đó bao gồm cả thị trường khách cao cấp).
Cùng với đó, Lai Châu có trên 133 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 35 khách sạn từ 1 sao đến 3 sao với trên 1.500 phòng); 150 nhà hàng với nhiều món ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và hệ thống mạng di động 4G, cáp quang, Internet tốc độ cao được phủ sóng trên 8/8 huyện, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn.
Theo Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và thu hút du khách đến với Lai Châu trải nghiệm, khám phá những đặc trưng riêng có. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, mời gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Nhờ đó, ngành du lịch đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón 877.469 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 59,49% so với kế hoạch năm 2025; doanh thu ước đạt 719 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 59,62% so với kế hoạch năm 2025.
Cơ hội bứt phá
Tỉnh Lai Châu xác định du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương trong thời gian tới, có sức lan tỏa, có vai trò thúc đẩy các lĩnh vực khác. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho việc phát triển du lịch, thông qua du lịch để cải thiện cuộc sống của người dân.
Theo đó, toàn bộ các kế hoạch, chương trình của Trung ương đều được cụ thể hóa bằng các kế hoạch của tỉnh như: Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025;...

Theo Lãnh đạo tỉnh Lai Châu, hiện tỉnh đang triển khai dự án đường nối cao tốc Lai Châu - Lào Cai với Hà Nội; cũng như dự án hầm đường bộ trên quốc lộ 4D có điểm đầu thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, điểm cuối tại phường Ô Quý Hồ, tỉnh Lào Cai đã được Chính phủ phê duyệt sẽ rút ngắn thời gian di chuyển qua đèo Hoàng Liên từ 30 phút xuống còn 8 phút, khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ về du lịch và logistics cho địa phương.
Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Lai Châu vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Những thách thức lớn nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu nhân lực du lịch chuyên nghiệp và chưa có nhiều dự án đầu tư lớn. Chính vì vậy, Lai Châu đang mở rộng chính sách thông thoáng, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, resort núi cao, tổ hợp vui chơi giải trí xanh, sạch.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ như: du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe... Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, gắn với công nghiệp giải trí thu hút, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Chủ động tăng cường, mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Lai Châu (Việt Nam) với 3 tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Dự kiến, tháng 10/2025 sẽ diễn ra Tuần Du lịch - Văn hóa và Giải Marathon Lai Châu lần thứ II, năm 2025. Dự kiến sự kiện sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 03 - 05/10/2025 tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu. Với chủ đề "Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ" (dự kiến), Tuần Du lịch - Văn hóa sẽ diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Chương trình khai mạc, bế mạc Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2025; Tổ chức Giải Marathon Lai Châu lần thứ II, năm 2025; Tổ chức và trao giải Cuộc thi ảnh đẹp, clip về du lịch tỉnh Lai Châu; Chương trình giao lưu văn nghệ 03 nước Việt - Trung - Lào và trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Lai Châu; Không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu và triển lãm sách, báo, tài liệu địa chí Lai Châu…
Có thể nói rằng, Lai Châu không phải là điểm đến của số đông, nhưng chính điều đó làm nên khác biệt. Với định hướng phát triển du lịch bền vững, dựa trên giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên nguyên bản, Lai Châu đang từng bước định vị thương hiệu bằng sự kiên định, tinh tế và bản sắc. Trong hành trình đó, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính sách hỗ trợ từ chính quyền sẽ là bệ đỡ để đưa du lịch Lai Châu vươn xa hơn trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.
Năm 2025, Lai Châu đặt mục tiêu đón trên 1,4 triệu lượt khách tăng trưởng 8,5% tổng lượt khách du lịch; tổng doanh thu ước đạt trên 1.136 tỷ đồng nhằm hiện thực hoá theo Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.