“Khoán tăng trưởng” GRDP
“Khoán tăng trưởng” GRDP được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho các địa phương, góp phần giúp kinh tế phục hồi và bứt phá trong năm 2025.
Sau 6 tháng triển khai, kết quả ban đầu cho thấy hiệu ứng tích cực, không chỉ ở khía cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là tiền đề cho tiến trình sáp nhập đơn vị hành chính, tái cấu trúc bộ máy và định hình lại chiến lược phát triển vùng.
.jpg)
Những chuyển động tích cực
Báo cáo của Bộ Tài chính trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ mới đây cho thấy, sau nửa năm thực hiện “khoán tăng trưởng”, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương đã có chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, 41 địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP quý II cao hơn quý I; 30 địa phương đạt mức tăng trưởng trên 8% trong 6 tháng đầu năm, trong đó nhiều nơi cán mốc hai con số như Hải Dương (11,6%), Quảng Ninh (11%), Đồng Nai (8,34%) hay Bắc Giang - địa phương đứng đầu cả nước với mức tăng 14,01%.
Đặc biệt, hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng khá ấn tượng. Hà Nội đạt GRDP 6 tháng đầu năm ở mức 7,63%, khẳng định vai trò dẫn dắt trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. TP.HCM dù chưa đạt kịch bản 8,67% nhưng vẫn tăng trưởng 7,82%, cao nhất kể từ sau đại dịch, minh chứng cho nỗ lực phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất cả nước.
Kể từ ngày 1/7/2025, theo kế hoạch sáp nhập, cả nước chính thức còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là bước chuyển lớn trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc điều chỉnh các chỉ tiêu điều hành kinh tế, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP, xác định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập. Theo đánh giá sơ bộ, 17/34 địa phương mới vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 8%, tạo nền tảng tích cực cho mục tiêu tăng trưởng GDP toàn quốc.
Tuy nhiên, một số đơn vị hành chính mới ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP giảm so với từng địa phương cũ trước sáp nhập. Điển hình là TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, mức tăng trưởng GRDP tính toán lại chỉ còn khoảng 6,56%. Điều này đặt ra thách thức về điều hành, nhất là trong việc phối hợp, phân bổ nguồn lực và thống nhất mục tiêu phát triển giữa các địa phương từng có đặc điểm kinh tế - xã hội khác biệt.
Cơ chế thúc đẩy trách nhiệm và sáng tạo
“Khoán” chỉ tiêu tăng trưởng GRDP là một tín hiệu cho thấy chuyển biến trong tư duy điều hành kinh tế - hành chính của Chính phủ. Thay vì giao chỉ tiêu cứng theo kiểu “mệnh lệnh hành chính”, cơ chế này tạo điều kiện để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp với thế mạnh của mình, đồng thời khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, sáng tạo và hiệu quả.
Trong 6 tháng đầu năm, 40 địa phương đã thực hiện đúng mục tiêu tăng trưởng, 23 địa phương khác phấn đấu vượt mức giao. Điều này chứng minh rằng khi được trao quyền và gắn trách nhiệm cụ thể, các tỉnh thành đã thể hiện được năng lực nội sinh, khát vọng phát triển và tinh thần hành động quyết liệt.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, tăng trưởng kinh tế bền vững không thể dựa vào cơ chế khoán đơn lẻ. Việc sáp nhập địa giới hành chính, nếu không đi kèm với cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý và đột phá trong thu hút đầu tư, rất dễ dẫn tới hiện tượng “tính gộp số liệu” mà thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực chất.
Do đó, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, cần có hướng dẫn rõ ràng trong đánh giá, giám sát và hỗ trợ các địa phương mới trong quá trình lập và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.