Trung Quốc đang định hình tương lai chuỗi cung ứng châu Á?
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hoạt động ra toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho các công ty còn lại trong khu vực châu Á.
.jpg)
Khi mở rộng ra thị trường quốc tế, hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc đều đã trải qua một quá trình “thanh lọc” khắc nghiệt, giúp họ trở thành những đối thủ đáng gờm trên sân khấu toàn cầu.
Không chỉ được tôi luyện trong môi trường cạnh tranh nội địa khốc liệt, các doanh nghiệp Trung Quốc còn được phát triển với khung chính sách ưu ái những nhà đổi mới hàng đầu thông qua ưu đãi thuế và khả năng tiếp cận tài chính thuận lợi. Điều này giúp họ vươn lên mạnh mẽ trong các lĩnh vực toàn cầu như thương mại điện tử, xe điện (EV) và năng lượng tái tạo.
Theo ông Yew-Poh Mak, Phó giám đốc quản lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của EY, các chuỗi cung ứng đang được thúc đẩy bởi các thương hiệu Trung Quốc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp châu Á khác tham gia và học hỏi.
Về dài hạn, tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chuyển đổi doanh nghiệp hứa hẹn tạo ra các chuỗi cung ứng phân tán hơn và một sân chơi công bằng hơn cho các nền kinh tế nhỏ hơn.
Trung Quốc chính là ví dụ tiêu biểu. Quốc gia này đã gây bất ngờ cho thế giới khi một công ty Trung Quốc làm rung chuyển trật tự AI vốn đã được thiết lập từ đầu năm nay.
Ông Mak cho biết: "Với những khoản đầu tư đúng đắn vào công nghệ này và các kỹ năng liên quan, các nền kinh tế trong khu vực hoàn toàn có thể tạo ra những đột phá bất ngờ và cạnh tranh trong nền kinh tế tương lai".
AI sẽ làm thay đổi ngành sản xuất theo những cách có thể mang lại lợi ích lớn cho các nền kinh tế châu Á khác. Công nghệ này có thể giảm chi phí, nâng cao kỹ năng và năng suất lao động, tối ưu hóa hiệu quả chuỗi cung ứng và cho phép cá nhân hóa sản phẩm quy mô lớn thông qua các mô hình sản xuất phân tán và quy mô nhỏ.

Theo một nghiên cứu của EY công bố năm ngoái, 59% các lãnh đạo ngành công nghiệp tin rằng AI sẽ có vai trò quan trọng, thậm chí mang tính cách mạng đối với tương lai ngành sản xuất từ sau năm 2030.
Những nền kinh tế và doanh nghiệp châu Á hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình chuyển đổi này sẽ là những bên ưu tiên đầu tư vào AI, giáo dục và đào tạo lại kỹ năng như Trung Quốc đang làm..
Thực tế cho thấy, Trung Quốc đang dồn nguồn lực quốc gia đáng kể để hỗ trợ doanh nhân. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ghi nhận khoản vay bao trùm cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đạt 15,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,1 nghìn tỷ USD) vào năm 2020.
Đến năm ngoái, con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 32,9 nghìn tỷ nhân dân tệ. Các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi cho các công ty khởi nghiệp, bao gồm cả những doanh nhân từng thất bại ở lần khởi nghiệp trước nhưng có cơ hội mới.
Bên cạnh việc trợ cấp tín dụng, chính phủ Trung Quốc còn đảm bảo các quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước cung cấp vốn cổ phần cho các nhà sáng lập.
Chính phủ áp thuế suất thấp hơn cho các công ty khởi nghiệp, nới lỏng một số quy định pháp lý và cấp nhiều khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ và năng lượng tái tạo.
Ông Yew-Poh Mak chỉ ra, Trung Quốc cũng có khả năng tiếp nhận và triển khai nhanh chóng các giải pháp sáng tạo trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp Nhà nước, nhà sản xuất ô tô và bệnh viện đều nhanh chóng áp dụng các công nghệ AI mới nhất trong bối cảnh nước này đang nỗ lực vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất.
Lĩnh vực xe điện là một ví dụ khác cho thấy mô hình kinh tế Trung Quốc không chỉ hỗ trợ khởi nghiệp mà còn giúp những doanh nghiệp có thể nhanh chóng mở rộng quy mô trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Cách đây 10 năm, Trung Quốc bắt đầu trợ cấp cho các nhà sản xuất xe điện mới và đến năm 2019 đã có khoảng 500 công ty sản xuất xe điện và hybrid. Bốn năm sau, chỉ còn khoảng 100 công ty trụ lại.
Tính đến năm ngoái, năm công ty đứng đầu nắm giữ 60% thị phần nội địa, trong đó BYD hiện là nhà sản xuất EV hàng đầu thế giới, chiếm tới 34% thị phần. Quy mô thị trường nội địa lớn và chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc mang lại cho các doanh nghiệp Trung Quốc lợi thế cạnh tranh đáng gờm trên toàn cầu.
Tương tự ở các lĩnh vực khác, Trung Quốc, nơi chiếm một nửa công suất điện mặt trời lắp đặt trên toàn cầu, cũng đồng thời kiểm soát từ 80% đến 90% sản lượng toàn cầu về tấm pin năng lượng mặt trời và các linh kiện chính.
"Khi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc xây dựng và phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế nhiều hơn, cơ hội trước mắt cho các đối tác thương mại là nằm trong các chuỗi cung ứng đang phát triển đó. Điều này giúp Trung Quốc định hình tương lai chuỗi cung ứng ở châu Á", ông Yew-Poh Mak phân tích.
Về lâu dài, mô hình thử nghiệm và nuôi dưỡng doanh nghiệp trong các lĩnh vực then chốt, cùng với việc phát triển nhân tài AI của Trung Quốc chính là bản thiết kế mà các nền kinh tế châu Á khác có thể học hỏi và cải tiến, nhất là khi công nghệ đang làm thay đổi cấu trúc của các chuỗi cung ứng sản xuất.