'Cú hích' ngàn vàng để Hải Phòng bứt phá từ chính sách đặc thù
Việc Quốc hội thông qua NQ 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng thực sự là một “cú hích”, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho TP Cảng.
Nghị quyết 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng không chỉ kế thừa những thành tựu từ các cơ chế đặc thù trước đây, mà còn được đánh giá là đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng chuyển mình mạnh mẽ từ một "thành phố Cảng" truyền thống thành một trung tâm thương mại tự do, logistics, công nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực.
.jpg)
Tầm quan trọng từ các nhóm chính sách đặc thù
Hải Phòng, với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống cảng biển nước sâu và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, từ lâu đã được xác định là một trong những động lực phát triển kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng, thành phố cần những cơ chế, chính sách linh hoạt, vượt trội để vượt qua các "điểm nghẽn" về thủ tục hành chính, thu hút đầu tư chất lượng cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 226/2025/QH15 ra đời chính là để giải quyết những thách thức này. Nghị quyết được Quốc hội thông qua vào ngày 27/6/2025, với hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo đà cho Hải Phòng bứt phá. Nghị quyết này là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và kế thừa những chính sách thành công từ các địa phương khác, đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Hải Phòng.
Khu thương mại tự do với loạt “siêu” ưu đãi, với 6 nhóm chính sách đặc thù cho Hải Phòng, gồm: Quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Cơ chế ưu đãi về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; Thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu thương mại tự do (Khu TMTD) thành phố.
Điểm đáng chú ý nhất, lần đầu tiên, một Khu TMTD được phép thành lập tại TP Cảng, áp dụng cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao và nhân lực trình độ cao. Cụ thể, UBND TP Hải Phòng quyết định thành lập, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD gắn với KKT Đình Vũ - Cát Hải và KKT ven biển phía Nam Hải Phòng. Ban Quản lý KKT Hải Phòng trực tiếp quản lý Khu TMTD, cung ứng dịch vụ hành chính công và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Về cơ chế, chính sách trong Khu TMTD, Nghị quyết quy định: Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế trong Khu TMTD không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế. Không chỉ vậy, khu TMTD được hưởng nhiều chính sách ưu việt khác như: Doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu tiên về hải quan, được miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực. Doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên (bán dẫn, công nghệ cao...) được áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Không chỉ cho phép miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú 10 năm, Nghị quyết 226 cũng quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 10 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, người lao động có trình độ cao làm việc tại Khu TMTD. Những chính sách đãi ngộ vượt trội, theo đánh giá của các chuyên gia, là một cách “trải thảm đỏ” để thu hút nguồn lực chất xám, phục vụ cho các ngành mũi nhọn.
Cùng với Hải Phòng, hiện nay, một số địa phương trên cả nước đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các Luật, Nghị quyết riêng của Quốc hội, gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM và Cần Thơ…
Ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Sở Tài chính TP Hải Phòng nhận định: Các chính sách tại Khu TMTD là điểm nhấn khác biệt và mang tính đột phá. Các chính sách tiếp cận theo thông lệ quốc tế: Áp dụng chế độ đầu tư đặc biệt với dự án ưu tiên, giao đất không qua đấu giá, cho phép sử dụng ngoại tệ, được chuyển khẩu hàng hóa và thực hiện thủ tục hải quan theo mô hình “Một khai báo – Một kiểm tra – Một phê duyệt”… Không chỉ tạo ra một “cực tăng trưởng” tiên phong của thành phố, các chính sách giúp thu hút mạnh mẽ tập đoàn logistics, công nghệ cao... và lan tỏa động lực phát triển ra toàn vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước.
.jpg)
Ngoài cơ chế ưu việt cho Khu TMTD, Nghị quyết 226 còn trao cho Hải Phòng thẩm quyền quản lý đầu tư, tài chính và ngân sách đặc thù. TP Hải Phòng được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng: Có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Hải Phòng cũng được thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vốn vào các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và được bán nhà chung cư thuộc tài sản công do thành phố xây dựng từ ngân sách nhà nước, hoặc theo hình thức hợp đồng BT hình thành từ sau ngày 31/12/1994 đến trước ngày 1/1/2025.
Ông Tú - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng các cơ chế, chính sách ưu việt trên không chỉ nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, rút ngắn quy trình xử lý công việc, giúp môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hải Phòng trở nên thông thoáng và đặc biệt giải quyết căn cơ những “điểm nghẽn” hiện hành.
Thời cơ mới để bứt phá
Ông Nguyễn Trung Tuyên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ Phát triển công nghiệp Hải Phòng: Nghị quyết 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng. Trong đó có, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết.
Hải Phòng được thí điểm các cơ chế ưu đãi đặc biệt để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), thu hút nhân lực chất lượng cao, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp. Mục tiêu là biến Hải Phòng thành một "thung lũng Silicon" của miền Bắc, nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo và các viện nghiên cứu hàng đầu.

Theo ông Tuyên, Nghị quyết 226/2025/QH15 mang lại cơ hội "ngàn vàng" cho Hải Phòng để bứt phá. Thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng là 5 năm. Riêng đối với các chính sách cốt lõi về Khu TMTD được thí điểm trong 10 năm, điều chưa từng có tiền lệ.
Còn ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng cho rằng: Nghị quyết 226 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, đúng thời điểm TP Hải Phòng mới chính thức vận hành. Đặc biệt, ngày 15-18/7 tới đây, chúng ta sẽ đón cơ hội vàng” khi 21 nền kinh tế lớn xúc tiến đầu tư tại Hải Phòng, một trong chuỗi hoạt động của Kỳ họp lần thứ ba - Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3). Với những cơ chế, chính sách tại Khu TMTD, kỳ vọng qua hội nghị, Hải Phòng tiếp tục tạo đột phá mới, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước”.
Mới đây, tại kỳ họp HĐND trong ngày đầu tiên vận hành mô hình mới sau sáp nhập, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị HĐND thành phố, UBND thành phố kịp thời thể chế hoá, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù - “đòn bẩy vàng” - để phát triển thành phố.
Nghị quyết 226/2025/QH15 của Quốc hội là một quyết sách mang tầm vóc lịch sử, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho Hải Phòng. Đây là sự khẳng định vị thế và tầm quan trọng của thành phố Cảng trong chiến lược phát triển quốc gia.
Để biến tiềm năng thành hiện thực, Hải Phòng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm cao độ từ các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân.
Với “cú hích” mạnh mẽ từ chính sách đặc thù, Hải Phòng hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa khát vọng trở thành một trung tâm thương mại tự do, logistics, công nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu, đóng góp to lớn vào sự phát triển phồn vinh của Việt Nam.