Trong bối cảnh thuế quan, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dài hạn
Theo các chuyên gia VinaCapital, với nhiều lợi thế, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu và dòng vốn FDI trong nhiều năm tới.
Tối 2/7/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam–Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Sau đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về thuế đối ứng với Việt Nam và đây cũng là thỏa thuận đầu tiên của Hoa Kỳ với một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Với việc tạo ra “Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng", các chuyên gia của VinaCapital nhận định, Việt Nam có thể đạt thỏa thuận cuối cùng về việc sẽ áp dụng mức thuế quan theo từng nhóm sản phẩm, trong đó các sản phẩm được sản xuất 100% tại Việt Nam sẽ chịu mức thuế thấp hơn đáng kể.
Trong thời gian chờ đợi tuyên bố kết quả đàm phán thuế quan chính thức, các chuyên gia cũng cho rằng mức thuế 10% hiện đang áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ (kèm theo miễn trừ cho phần lớn hàng điện tử) sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực.
Tác động về thông tin tích cực này đối với Việt Nam, không kỳ vọng nó sẽ tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế trong ngắn hạn, VinaCapital dự báo.
Nguyên do thứ nhất, xuất khẩu sang Hoa Kỳ dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2025 sau khi đã tăng gần 30% trong nửa đầu năm – phần lớn do các nhà bán lẻ Mỹ tăng mạnh mua hàng trong thời gian 90 ngày tạm ngưng áp dụng thuế đối ứng.
Thứ hai, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức rất cao: tổng vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2025 đã vượt 15 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ và tương đương hơn 7% GDP.
Trong bối cảnh chưa có thỏa thuận cuối cùng, chỉ cần mức thuế áp lên hàng Việt Nam không cao hơn 10% so với các nước trong khu vực, thì các lợi thế về chất lượng lao động, chi phí, nhân khẩu học và vị trí địa lý vẫn tiếp tục giúp Việt Nam giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu và dòng vốn FDI trong nhiều năm tới, các chuyên gia khẳng định.
Cùng chung quan điểm, chia sẻ tại tọa đàm "Báo chí và Doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển Kinh tế tư nhân" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng ngày 4/7/2025, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cũng nhận định, FDI là một trong những điểm sáng đặc biệt ấn tượng của kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2025.

Cụ thể, theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đăng ký đạt 18,39 tỷ USD, tăng tới 51% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy Việt Nam tiếp tục có sức hấp dẫn ổn định và bền vững trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI trên thế giới ngày càng gay gắt, các dòng vốn toàn cầu có xu hướng co hẹp và nhiều nền kinh tế đang điều chỉnh chiến lược để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, sạch và có giá trị gia tăng lớn.
Chuyên gia lưu ý các con số vốn FDI tăng mạnh và vẫn không giảm lại khi đặt trong bối cảnh đầu tháng 4/2025, Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư FDI đối với Việt Nam. Đây cũng được xem là một trong những động lực trong "cỗ xe tam mã" để hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhận định về tăng trưởng với câu chuyện thuế quan vẫn được kỳ vọng rất tích cực, các chuyên gia VinaCapital tái khẳng định rằng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố nội tại như tăng chi đầu tư công cho hạ tầng, sự phục hồi của thị trường bất động sản, cùng với các sáng kiến và cải cách hành chính quan trọng - "Đổi Mới 2.0" đang được thực thi.