Cột mốc chủ quyền giữa thềm lục địa của Tổ quốc
Nhà giàn DK1 không chỉ là cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển…

Cách đây đúng 36 năm (5/7/1989 - 5/7/2025), trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, những Nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng. Đến nay, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có 15 Nhà giàn DK1 được xây dựng. Các nhà giàn DK1 như những “thành đồng” che chắn, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đất liền từ xa.
“Còn người, còn nhà giàn”
Khu vực biển thềm lục địa phía Nam của nước ta có diện tích khoảng 80.000km2. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng - an ninh - kinh tế, án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế đông đúc bậc nhất thế giới qua Biển Đông.
Tháng 10/1988, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1. Nhà giàn DK1 xây dựng trên nền san hô với mực nước sâu hàng chục mét, được đánh giá là công trình phi thường, xây dựng nên bằng ý chí, nghị lực của những con người nhỏ bé, bình thường. Từ đó đến nay, nhiệm vụ chốt giữ chủ quyền trên các nhà giàn được giao cho cán bộ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
Ngay từ những ngày đầu tiếp nhận, chốt giữ các nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn, thiếu thốn cơ sở vật chất, sự đe dọa và khiêu khích của lực lượng nước ngoài. Song với tinh thần quả cảm và ý chí quyết tâm, họ đã kiên cường bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng nhà giàn, từng “mốc chủ quyền” trên biển.

Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ chủ quyền, đã có 20 nhà giàn được dựng lên trên 7 bãi cạn: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Ba Kè, Cà Mau. Đây là khu vực có điều kiện khí hậu và thủy văn khắc nghiệt, thường xuyên xuất hiện áp thấp nhiệt đới và bão mạnh. Nhiều trận bão lớn với sóng cao 13-15 mét tàn phá dữ dội đã làm cho 5 nhà giàn bị đánh đổ, 9 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn và 2 đồng chí trên tàu anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Và trong hành trình đó, không ít cán bộ, chiến sĩ DK1 đã từng đối mặt với những thời khắc sinh tử: lênh đênh giữa biển hàng chục giờ sau khi nhà giàn bị đánh đổ; vật lộn với nắng, mưa, sóng gió; sống dài ngày trong điều kiện thiếu rau xanh, nước ngọt, cơ sở vật chất còn hạn chế... Nhưng chính trong những hoàn cảnh gian khổ nhất, tinh thần của người lính nhà giàn lại càng tỏa sáng.
Chông chênh giữa biển, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Bộ Tư Lệnh Hải quân luôn kiên cường, dũng cảm, vượt qua muôn vàn gian khổ, giữ vững lời thề: “Còn người, còn nhà giàn”. Ý chí, bản lĩnh, niềm tin và tinh thần “Còn người, còn nhà giàn” đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim, hun đúc nên phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” nơi đầu sóng, ngọn gió.

Trung tá Nguyễn Trung Đức - Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Trong suốt 36 năm qua, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm túc trực, duy trì nghiêm chế độ trực canh, theo dõi, phát hiện và báo cáo hàng trăm nghìn lượt mục tiêu trên biển, trên không. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác tạo thành thế trận liên hoàn vững chắc, đấu tranh hiệu quả với mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nhà giàn và khu vực được phân công”.
Cùng chung quyết tâm đó, Thiếu tá Lê Văn Sỹ - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9 chia sẻ: “Trong bất luận điều kiện hoàn cảnh nào, cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển được phân công, làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển và làm sáng đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới”.
Giữ vững thế trận, gắn bó với nhân dân
Giữa sóng và gió, Nhà giàn DK1 hiên ngang như một pháo đài thép, biểu tượng của ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Và họ chưa bao giờ đơn độc, bởi phía sau luôn có đất liền dõi theo, tiếp sức và đồng hành cùng. Từng lá thư, từng món quà đong đầy tình cảm của hậu phương và các đoàn công tác chứa đựng nghĩa tình quân dân chính là nguồn động viên lớn, làm nhịp cầu nối biển đảo với đất liền.

Là người từng được may mắn được đặt chân đến Nhà giàn DK1/19 vào cuối tháng 5/2025 vừa qua, ông Phạm Toàn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Smartdoor 168 xúc động chia sẻ: “Vừa qua, tôi may mắn được tham gia đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đến thăm quân dân tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ngày đoàn công tác đến với Nhà giàn DK1/19, thời tiết đã không ủng hộ. Trời mưa và sóng to khiến việc di chuyển lên nhà giàn của cả đoàn vô cùng vất vả. Khi được đặt chân lên Nhà giàn DK1/19, tôi vô cùng xúc động và tự hào. Tôi hiểu rằng, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với nhiều khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ thật đáng trân trọng. Các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chịu nhiều hy sinh, gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc để cho chúng ta có được cuộc sống yên vui, đất nước hoà bình, phát triển. Tôi xin chúc cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Nhà giàn DK1 luôn mạnh khỏe, vững vàng, chắc tay súng để bảo vệ vững chắc vùng trời biển, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu”.
Có lẽ chính sự gắn kết giữa đất liền và biển đảo đã tạo nên sức mạnh, giúp các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 giữ trọn lời thề giữ biển. Cách đất liền hàng trăm hải lý, bốn bề sóng vỗ, thậm chí có những cơn bão lớn quét qua độ cao sóng đến hàng chục mét, nhưng dù khó khăn, gian khổ đến đâu, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường bám trụ giữa biển khơi mênh mông.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ DK1 còn là chỗ dựa vững chắc, thân tình cho ngư dân giữa đại dương. Họ luôn sẵn sàng hỗ trợ khi tàu cá gặp nạn, cấp cứu người bị thương, tiếp nước ngọt, thuốc men, lương thực, giúp ngư dân an tâm bám biển dài ngày.
Trong suốt 36 năm qua, các nhà giàn đã phối hợp kịp thời cứu vớt 9 tàu cá Việt Nam bị nạn, cấp cứu, điều trị bệnh cho hàng trăm ngư dân, hỗ trợ nước ngọt, nhiên liệu, lương thực, thuốc men cho hơn 650 lượt tàu cá. Đặc biệt, tháng 4/2020, nhà giàn DK1/11 đã cứu nạn thành công 30 ngư dân tàu cá QNA 95654 TS gặp nạn khi đánh bắt trên biển. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có 8 lượt tàu cá có ngư dân gặp nạn đã được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn kịp thời cấp cứu. Những sự cống hiến thầm lặng của những người lính nhà giàn, đã tạo thế trận lòng dân vững chắc trên biển, lan tỏa sâu rộng chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.
36 năm đã đi qua, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, trực tiếp bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục là chỗ dựa tin cậy nơi tuyến đầu, góp phần giữ vững chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Trung tá Nguyễn Trung Đức - Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Trong giai đoạn phát triển mới, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, các nhà giàn “chính quy, mẫu mực”, tiếp bước truyền thống anh hùng, xứng đáng là pháo đài thép bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”.
Đặc biệt, cùng với khí thế của những ngày tháng 7 lịch sử, đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới và chào đón sự kiện chính trị trọng đại của toàn Quân chủng Hải quân. Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm lập nhiều thành tích xuất sắc trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc - là những bông hoa tươi thắm, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.