Indonesia sắp đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ?
Indonesia thông báo đang tiến gần với một thỏa thuận thương mại “táo bạo” với Mỹ, trong đó cam kết cắt giảm thuế suất cho 1.700 mặt hàng.
Indonesia được cho đang ở giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ, hướng tới việc cắt giảm thuế gần như bằng 0 cho hơn 1.700 mặt hàng nhập khẩu, trong bối cảnh nước này tìm cách duy trì tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trước thời hạn áp thuế mới của Washington vào ngày 9/7 tới.

Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, thỏa thuận thương mại Mỹ - Indonesia đang bàn bạc, sẽ bao trùm nhiều lĩnh vực then chốt như khoáng sản chiến lược, năng lượng, hợp tác quốc phòng và mở rộng tiếp cận thị trường, đồng thời thiết lập lại khuôn khổ thương mại song phương trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Indonesia đang theo đuổi một mối quan hệ kinh tế cân bằng, mang tính xây dựng và định hướng tương lai với Mỹ,” ông Hartarto phát biểu trong tuyên bố gửi Bloomberg hôm 4/7.
Cam kết thuế suất gần như bằng 0
Trung tâm của thỏa thuận thương mại Mỹ - Indonesia là cam kết giảm thuế gần như về 0 cho hơn 1.700 dòng thuế, tương đương khoảng 70% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Indonesia. Các nhóm ngành được hưởng lợi gồm điện tử, máy móc, hóa chất, chăm sóc sức khỏe, thép, nông nghiệp và ô tô – những lĩnh vực ưu tiên theo yêu cầu từ phía Washington.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị áp thuế lên tới 32% đối với hàng hóa từ một số nền kinh tế mới nổi, trong đó có Indonesia.
Indonesia đặt mục tiêu đạt được kết quả tốt hơn, trong bối cảnh nước này coi Mỹ là đối tác thương mại lớn. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 45,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ chiếm 29,3 tỷ USD – cao thứ hai sau Trung Quốc, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia.
Ngoài ưu đãi thuế quan, Indonesia đồng ý tăng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) và hàng nông sản từ Mỹ, một phần trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng quốc gia. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia đang đàm phán mua thêm máy bay và mở rộng hợp tác bảo trì với các đối tác Mỹ.
Thỏa thuận cũng bao gồm kế hoạch mở rộng mua sắm thiết bị quân sự Mỹ, củng cố vị thế của Indonesia như một đối tác quốc phòng đáng tin cậy tại khu vực.

Cởi mở nhiều lĩnh vực chiến lược
Một điểm đáng chú ý khác là nội dung hợp tác về khoáng sản chiến lược – đặc biệt là nickel, nguyên liệu then chốt cho ngành sản xuất pin. Indonesia – nơi sở hữu trữ lượng nickel lớn nhất thế giới – có thể sẽ cấp quyền ưu tiên cho doanh nghiệp Mỹ, đồng thời tăng cường giám sát quyền sở hữu nước ngoài trong chuỗi cung ứng.
Biện pháp này nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các công ty có liên hệ với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy chuỗi cung ứng khoáng sản minh bạch và an toàn hơn, đáp ứng yêu cầu chiến lược công nghiệp của Washington.
Chính phủ Indonesia cũng cam kết gỡ bỏ một số rào cản đối với nhà đầu tư Mỹ, bao gồm nới lỏng quy định về tỷ lệ nội địa hóa, cải thiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và mở cửa hệ thống thanh toán quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ. Những nội dung này từ lâu đã là điểm nghẽn trong các báo cáo hàng năm của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Dù triển vọng tích cực, Indonesia vẫn giữ thái độ thận trọng trước quyết định cuối cùng từ Washington. “Chúng tôi đang trong trạng thái chờ và quan sát,” ông Hartarto cho biết, đồng thời nhấn mạnh kỳ vọng rằng thỏa thuận có thể ngăn chặn việc áp mức thuế cao từ ngày 9/7.
Thông tin về thỏa thuận thương mại Mỹ - Indonesia giúp đồng rupiah giữ ổn định ở mức 16.180/USD, trong khi thị trường chứng khoán Jakarta không biến động đáng kể, giảm nhẹ 0,2%. Các nhà đầu tư đang chờ xem chi tiết cuối cùng từ Washington để đánh giá tác động thực sự tới triển vọng xuất khẩu của Indonesia.
“Chúng ta cần so sánh mức thuế thực tế mà Mỹ áp lên các nước trong khu vực để đánh giá thay đổi về năng lực cạnh tranh của Indonesia,” Jeffrey Zhang, chiến lược gia thị trường mới nổi tại Credit Agricole (Hồng Kông) nhận định.
Nếu được ký kết, đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất của Indonesia với Mỹ trong hơn một thập kỷ, gửi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết cải cách kinh tế và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.