Nghiên cứu - Trao đổi

Bỏ “room” tín dụng: Cần phải nghiên cứu lộ trình phù hợp

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 06/07/2025 04:30

Việc bãi bỏ room tín dụng là điều tất yếu trong tiến trình cải cách thể chế tài chính - tiền tệ, tuy nhiên cần được tiến hành theo lộ trình hợp lý, thận trọng và có kiểm soát.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội diễn ra chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm bãi bỏ việc sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng, thay vào đó cần chuyển sang cơ chế vận hành theo thị trường.

TQT (50) (1)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấm dứt việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng

Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấm dứt việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng. Thay vì tiếp tục cơ chế này, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng một bộ tiêu chí giám sát tín dụng dựa trên nguyên tắc thị trường, đảm bảo an toàn hệ thống, và báo cáo kết quả cho Thủ tướng ngay trong tháng

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng (hạn mức tín dụng) đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì suốt chục năm qua, là công cụ để cơ quan này kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát. Nhưng hiện công cụ này bị "chê" là tạo cơ chế xin - cho, một số trường hợp khiến người vay không thể tiếp cận tín dụng nếu nhà băng không còn "quota".

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Năm ngoái, cơ quan điều hành đã bỏ "room" tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, họ rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này. Song, Ngân hàng Nhà nước lo ngại việc bỏ hẳn cơ chế hạn mức tín dụng hàng năm có thể khiến hệ thống quay lại cuộc đua tăng lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu cao như trước 2011.

Xoay quanh yêu cầu bỏ room tín dụng, ông Lê Duy Bình, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhận định, room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước sử dụng như một chiếc “van” để kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Nếu bỏ hoàn toàn công cụ này khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng, rủi ro bơm tín dụng quá mức hoàn toàn có thể tái diễn. Tín dụng tăng nóng, gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng GDP, tiềm ẩn nguy cơ giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu, từ đó tiềm ẩn các rủi ro và tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Thực tế, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đã lên tới khoảng 134%, một mức rất cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Điều này càng cho thấy sự cần thiết của một công cụ kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, tương thích với quy mô và năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Không những vậy, nếu không có cơ chế kiểm soát tín dụng hiệu quả, thị trường hoàn toàn có thể chứng kiến một cuộc đua lãi suất mới khi các ngân hàng đẩy mạnh huy động và cho vay bằng mọi giá giống như giai đoạn trước đây từng ghi nhận mặt bằng lãi suất huy động lên tới 13-14%/năm.

TQT (31) (1)
Việc bỏ room tín dụng cần được tiến hành theo lộ trình hợp lý, thận trọng và có kiểm soát

Từ những phân tích trên, TS Lê Duy Bình cho rằng, về lâu dài có thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng và sử dụng các công cụ khác, nhưng chỉ có thể làm vậy khi các điều kiện của thị trường đã chín muồi và khi chính sách tiền tệ không còn đồng thời phải đạt được nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm như hiện nay.

“Mặt khác, nếu bỏ room tín dụng, nhất định phải sử dụng các công cụ điều hành khác để đảm bảo mức tăng tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế phù hợp với quy mô GDP, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, và đảm bảo chất lượng tín dụng, hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn”, chuyên gia này đề nghị.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc bãi bỏ room tín dụng là điều tất yếu trong tiến trình cải cách thể chế tài chính - tiền tệ, tuy nhiên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện theo lộ trình phù hợp. Điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo hệ thống ngân hàng có khả năng tự điều tiết tín dụng dựa trên năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng quản trị rủi ro. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện các công cụ điều hành gián tiếp khác như lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc… để thay thế vai trò của room tín dụng hiện tại. Nếu không có các tiêu chí định lượng rõ ràng về giám sát tín dụng và không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, việc xóa bỏ room tín dụng quá sớm có thể tạo ra sự thiếu kiểm soát trong cung tiền, gây bất ổn cho hệ thống tài chính.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn