Doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đầu làn sóng "toàn cầu hoá 3.0"?
Toàn cầu hóa không chỉ làm giảm nguy cơ bảo hộ mà còn cho phép các công ty Trung Quốc mang lại việc làm và lợi ích kinh tế cho thế giới.

Khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa vào năm 1978, nền kinh tế của nước này vẫn chủ yếu là “ở Trung Quốc, vì Trung Quốc”. Nhờ khai thác các lực lượng thị trường mang tính thay đổi toàn cầu, nền kinh tế nhanh chóng bước vào giai đoạn “ở Trung Quốc, vì thế giới”, khi đất nước trở thành công xưởng thế giới.
Các ngành công nghiệp gia tăng giá trị ngày càng phức tạp đã giúp 800 triệu người thoát nghèo và góp phần làm giàu cho thế giới hiện đại. Đến năm 2020, Trung Quốc chiếm tới 35% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, các cuộc chiến thương mại, bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã làm thay đổi cục diện toàn cầu.
Ngày nay, toàn cầu hóa đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thế giới đa cực, nơi mà bất ổn là thực tế phổ biến. Các doanh nghiệp phải đối mặt với một thời kỳ biến động và tái cấu trúc sâu rộng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các rào cản thương mại, thuế quan và phân mảnh địa chính trị gia tăng, "toàn cầu hóa 3.0" sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi công nghệ số và định hướng khu vực. Doanh nghiệp Trung Quốc đang nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa.
Điều này đòi hỏi phải chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình có hiện diện toàn cầu, đầu tư ra nước ngoài và phối hợp sản xuất xuyên biên giới.
Ông Vương Huệ Dao, nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhận định: "Kinh tế Trung Quốc đang cần một chiến lược “ở thế giới, vì thế giới”. Các doanh nghiệp Trung Quốc phải phân bổ lại chuỗi giá trị và hệ thống sản xuất của mình sang nhiều quốc gia, nhằm phục vụ khách hàng quốc tế".
Việc mở rộng ra thị trường toàn cầu không chỉ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị, mà còn giúp giải quyết một trong những mâu thuẫn lớn nhất của toàn cầu hóa, đó là sự phân phối không đồng đều lợi ích giữa các nhóm xã hội.
Việc dịch chuyển vốn sản xuất và nguồn thu thuế trở lại các quốc gia sở tại cũng góp phần khôi phục cơ hội việc làm cho lao động có kỹ năng, điều vốn bị mất đi do làn sóng toàn cầu hóa trước đây.
Ông Vương cho biết, chiến lược toàn cầu hóa toàn diện không chỉ giúp tránh được các rủi ro như hàng rào thuế quan hay chiến tranh thương mại, mà còn mở ra cơ hội và mô hình kinh doanh mới. Ví dụ, Geely với nhà máy Volvo tại Bỉ sử dụng 4.000 lao động đã cùng phát triển nền tảng thiết kế xe, hợp nhất sản xuất, phân bổ chi phí cố định và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý hơn.
Thị trường Mỹ, dù đang có xu hướng bảo hộ, vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và là mặt trận quan trọng với doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nhiều lĩnh vực xuất khẩu đang bị thu hẹp.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở rộng mạnh mẽ sang Đông Nam Á. Nhà máy xe điện đầu tiên của BYD tại khu vực này đã khai trương năm ngoái tại Rayong, Thái Lan. Các nhà sản xuất trong lĩnh vực dệt may, điện tử, module năng lượng mặt trời cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Hiện nay, khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư sản xuất của Trung Quốc ra nước ngoài tập trung tại Đông Nam Á.

Khả năng toàn cầu hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở ra tiềm năng lớn. Việc “đi ra thế giới” giúp họ phân tán rủi ro, mở rộng thị trường và tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nó còn tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và chia sẻ thịnh vượng với các quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong môi trường pháp lý ngày càng siết chặt và tâm lý đề phòng Trung Quốc ở nhiều quốc gia phương Tây.
Các rào cản phi thuế quan như kiểm soát an ninh quốc gia, yêu cầu về minh bạch sở hữu trí tuệ... đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc đặt nhà máy hoặc mở rộng thương hiệu. Tiến sĩ Lưu Minh Triết từ Viện Chiến lược Toàn cầu cho rằng: “Doanh nghiệp Trung Quốc phải học cách ‘nói ngôn ngữ địa phương’, hiểu luật địa phương và tích cực tham gia vào trách nhiệm xã hội của nước sở tại thì mới có thể trụ vững lâu dài.
Việc tận dụng lợi thế sẵn có, đồng thời vượt qua những rào cản pháp lý, cạnh tranh và định kiến quốc tế, sẽ quyết định khả năng trụ vững và phát triển bền vững của họ trên sân chơi toàn cầu. Toàn cầu hóa 3.0 không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Trung Quốc tái định hình vai trò của mình trong một thế giới đa cực, nơi sự chia sẻ giá trị, hợp tác cùng phát triển.