Nắng kỷ lục, châu Âu lo suy giảm kinh tế và tăng lạm phát
ECB cảnh báo các đợt sóng nhiệt đang gây tổn hại trực tiếp đến nền kinh tế khu vực, đòi hỏi các chính sách tài chính mới hướng tới chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một mùa hè khắc nghiệt với nhiệt độ cao kỷ lục do biến đổi khí hậu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lên tiếng cảnh báo rằng các đợt nắng nóng không chỉ là một thách thức môi trường mà còn gây tổn hại trực tiếp đến nền kinh tế thông qua tăng lạm phát và suy giảm GDP.
Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cách các nhà hoạch định chính sách tài chính ở châu Âu nhìn nhận và ứng phó với rủi ro khí hậu.
Nhiệt độ tăng, tăng trưởng chững lại
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Frank Elderson, thành viên Ban điều hành ECB, đã khẳng định rõ mối liên hệ giữa nhiệt độ cực đoan và các chỉ số kinh tế then chốt.
“Chúng tôi đã tiến một bước dài trong việc hiểu rằng khủng hoảng khí hậu và suy thoái tự nhiên là những yếu tố cần được tính đến khi hoạch định chính sách tiền tệ,” ông nói.
Mùa hè cực đoan năm 2022, lạm phát giá thực phẩm đã tăng từ 0,4 đến 0,9 điểm phần trăm, và “GDP của Đức đã chịu một cú đánh có thể đo lường được,” theo ông Elderson.
Tuần qua, châu Âu chứng kiến những đợt sóng nhiệt cực đoan, phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hạ tầng và sức khỏe cộng đồng. Các quốc gia vùng Nam và Trung Âu đều rơi vào tình trạng khẩn cấp do nóng bất thường, kèm theo cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng.
Các chuyên gia lo ngại nền kinh tế toàn khối sẽ phải gánh chịu hậu quả của hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng: năng suất nông nghiệp giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả thực phẩm và năng lượng leo thang – tất cả đều góp phần đẩy lạm phát lên cao và bóp nghẹt tăng trưởng.
ECB thay đổi tư duy
Không dừng lại ở nhận diện vấn đề, ECB đã công bố các điều chỉnh chính sách nhằm phản ánh đầy đủ hơn các rủi ro liên quan đến khí hậu và "suy thoái tự nhiên". Đây là lần đầu tiên ECB đưa khái niệm suy thoái tự nhiên vào khung hoạch định chính sách tiền tệ, bao gồm cả việc giám sát các ngân hàng quan trọng trong hệ thống châu Âu.

Ông Elderson nhấn mạnh: “Quyết định này là một bổ sung quan trọng cho cách dùng từ ngữ của ECB.”
Điều đáng chú ý là rủi ro tự nhiên, không giống như khí nhà kính có thể được đo lường qua lượng phát thải CO₂, lại rất đa dạng và phức tạp. Elderson giải thích: “Rủi ro từ thiên nhiên rất phức tạp vì không có một chỉ số duy nhất như CO₂. Thay vào đó, bạn phải nhìn vào trữ lượng cá, sản lượng gỗ, chất lượng đất, khan hiếm nước và chất lượng nước.”
Theo ông, trong ngắn hạn, ECB sẽ đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và tham vấn để trả lời các câu hỏi trọng yếu: “Chúng ta cần hỏi điều này có ý nghĩa gì với hiểu biết của chúng ta về nền kinh tế, về lạm phát? Nó có ảnh hưởng gì đến khả năng duy trì nợ công hay không?”
Về dài hạn, cách tiếp cận này sẽ tương tự như cách ECB đang tích hợp rủi ro khí hậu vào các công cụ tài chính, chính sách tài sản và quy trình quản trị rủi ro ngân hàng.
Mỹ đứng ngoài cuộc
Trong khi ECB chủ động đưa khí hậu và môi trường vào trung tâm chính sách tiền tệ, thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại giữ khoảng cách rõ rệt. Chủ tịch FED Jerome Powell nhiều lần nhấn mạnh rằng vai trò của FED trong vấn đề khí hậu là rất hạn chế.
Tại một cuộc họp báo vào tháng 5, ông Powell phát biểu: “Các bạn đã nghe tôi nói đi nói lại rằng chúng tôi sẽ không là nhà hoạch định chính sách khí hậu. Vai trò của chúng tôi về khí hậu là vô cùng hạn chế.”
Không những vậy, theo một số nguồn tin của Bloomberg, Fed thậm chí còn can thiệp để làm giảm hiệu lực của các tiêu chuẩn toàn cầu về rủi ro khí hậu, bao gồm cả các quy định của Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng. Đây là một động thái khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến.
Ngay tại châu Âu, chính sách tích hợp yếu tố khí hậu và quyền con người vào quy định pháp lý cũng không hoàn toàn nhận được sự đồng thuận.
Ở Đức – nền kinh tế lớn nhất EU – tổ chức vận động hành lang Stiftung Familienunternehmen đã ra tuyên bố nghi ngờ tính hợp hiến của việc lồng ghép các tiêu chuẩn môi trường và xã hội vào luật pháp châu Âu.
Tuy vậy, ECB vẫn kiên định. Elderson cho biết: “Mặc dù đang có phản ứng ngược, Hội đồng Thống đốc ECB vẫn giữ vững lập trường, và thậm chí còn mở rộng tầm nhìn để nói rằng: giờ đây, dựa trên những nghiên cứu đã có, chúng ta cần suy nghĩ vượt ra ngoài khái niệm khí hậu tác động đến ổn định giá cả.”