Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam - Brazil tăng tốc đầu tư, khai mở tiềm năng
Với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam - Brazil đẩy mạnh kết nối, hợp tác, đầu tư, cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và các hoạt động song phương tại Brazil, tối 5/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil.

Tại diễn đàn, đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến từ hai nước như Embraer, JBS, Cecil (Brazil) và PVN, Viettel, Lộc Trời (Việt Nam) đã trao đổi, chia sẻ các cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực có thế mạnh tương hỗ như hàng không, nông nghiệp - thực phẩm, luyện kim, năng lượng, viễn thông… Các doanh nghiệp Brazil đều đánh giá cao tiềm năng và cho biết sẵn sàng tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Ông Fabio Maia, Giám đốc Đầu tư của Tập đoàn JBS cho biết, tập đoàn sẵn sàng đầu tư và trở thành thị trường tập trung ở Hải Phòng và TP.HCM, xuất khẩu sang các nước lân cận như Trung Quốc. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tập đoàn đã khai trương container thịt bò Brazil đầu tiên, thể hiện nỗ lực của hai bên để có một con đường phát triển đẩy hứa hẹn trên cơ sở tình bạn hai nước.
Trong lĩnh vực công nghiệp nặng, luyện kim, bà Maria Antonietta Cervetto, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cecil cho biết, tập đoàn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thông qua cung cấp các sản phẩm kỹ thuật, hỗ trợ hậu cần, chuyển giao công nghệ hoặc cùng phát triển các giải pháp trong các lĩnh vực then chốt cho tăng trưởng kinh tế.
"Chúng tôi rất tự hào đại diện cho Tập đoàn Cecil với tinh thần năng động, đổi mới, vững chắc, hợp tác lâu dài cùng có lợi", bà Maria Antonietta Cervetto cho biết.
Đại diện doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Bình Minh - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN nhận định Brazil là đối tác tiềm năng trong khai thác dầu khí nước sâu, đặc biệt trong mảng năng lượng carbon thấp. Ông cũng đề xuất mở rộng hợp tác nhập khẩu dầu thô, sản phẩm enzyme từ Brazil vào thị trường Việt Nam và ASEAN.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh tiềm năng bổ sung thế mạnh giữa hai nước, khi Việt Nam có kinh nghiệm thâm canh lúa nước, còn Brazil có lợi thế quy mô và công nghệ hiện đại trong sản xuất nông sản khô như đậu tương, ngô, mía đường. Việc hợp tác nghiên cứu giống, chia sẻ kỹ thuật và công nghệ sau thu hoạch sẽ mở ra nhiều hướng đi mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil - ông Luis Renato Alcantara Rua khẳng định quan hệ Việt Nam - Brazil đang bước vào giai đoạn lịch sử, được củng cố bởi tình hữu nghị, tầm nhìn chiến lược và mong muốn hợp tác toàn diện giữa hai nhà lãnh đạo.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phát triển quan hệ Việt Nam - Brazil theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả và lâu dài, lấy ổn định làm nền tảng cho phát triển, lấy phát triển để tạo ra ổn định. Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu tối thượng là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Thông tin thêm về kết quả hội đàm với Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Thủ tướng nhận định Việt Nam và Brazil có tiềm năng bổ trợ mạnh mẽ: những gì Brazil cần, Việt Nam có thể đáp ứng; và ngược lại, Việt Nam rất cần các thế mạnh sẵn có của Brazil như nông sản, năng lượng.
Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh ba trụ cột hợp tác cần được ưu tiên gồm: nông nghiệp; khoa học – công nghệ – viễn thông; và khai thác – chế biến khoáng sản. Song song, hai nước cần sớm mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm thế mạnh như thịt bò, thủy sản, gạo.
Đặc biệt, với vai trò là hai cường quốc sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, Thủ tướng đề xuất hai bên cùng xây dựng liên minh cà phê, hợp tác xây dựng sàn giao dịch, thương hiệu chung và nâng tầm văn hóa cà phê.

Không chỉ dừng lại ở thương mại, hai nước còn hướng tới mô hình đầu tư sâu, ví dụ như doanh nghiệp Việt trồng và chế biến gạo tại Brazil, hay doanh nghiệp Brazil phát triển chăn nuôi, chế biến thịt tại Việt Nam, qua đó tối ưu hóa chi phí và gia tăng lợi ích.
Một điểm nhấn nữa là hai bên thống nhất cần sớm kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối MERCOSUR trong 6 tháng cuối năm 2025, tiến tới FTA song phương Việt Nam – Brazil. Cùng với đó là hoàn thiện nền tảng pháp lý, đơn giản hóa visa, mở đường bay trực tiếp nhằm tạo đột phá trong kết nối doanh nghiệp.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng gửi gắm thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp hai nước: hãy cụ thể hóa nền tảng chính trị tốt đẹp thành các hoạt động hợp tác kinh tế - đầu tư cụ thể, “biến tình hữu nghị thành những sản phẩm đo đếm được”, vì sự phát triển bền vững, lâu dài và cùng có lợi của cả hai dân tộc.