Tín dụng - Ngân hàng

Định hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, yêu cầu cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất

Lê Mỹ 06/07/2025 11:26

Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí... để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, hài hòa, cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến đầu tư, thương mại toàn cầu, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm. Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo,

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các ngân hàng đã ký kết cho vay đạt gần 350 nghìn tỷ đồng, tăng 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giải ngân gói tín dụng ưu đãi đã đạt bằng 66,1% quy mô gói. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số… để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Ảnh minh họa

Trong đó, đối với lĩnh vực tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ theo đúng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

NHNN cũng được yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số… để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…); tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh; phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16% so với năm 2024. Tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch.

Điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, hài hòa, cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, nhất là việc điều chỉnh chính sách của FED và các ngân hàng trung ương, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo và có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đa dạng hóa các kênh cung ứng ngoại tệ, ổn định giá trị đồng Việt Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tiền tệ khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng; chuyển việc điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường và đánh giá rủi ro của từng tổ chức tín dụng, xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, bảo đảm thúc đẩy phân bổ vốn tín dụng chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.

Đẩy mạnh chương trình tín dụng đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15 tháng 7 năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Các Bộ, cơ quan, địa phương cũng được Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với lĩnh vực tiền tệ, trước đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những yếu tố rất thuận lợi, nền kinh tế cũng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào thực tế diễn biến của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác.

Cụ thể về tín dụng liên quan đến lãi suất, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng. Ở phía thị trường là các ngân hàng thương mại, với vai trò thực thi các chính sách, các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng để tiết kiệm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay. Kết quả lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức là 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.

Về tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình kinh tế. Kết quả là sau khi thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành chính như ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng trong ngành. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỉ trọng lớn là khoảng 23,74%.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai ngành có tỉ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỉ trọng 23,16%. Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%. Về tốc độ, hai cái lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.

NOXH PLO
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, các chương trình có chính sách đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai trong thời gian qua. Ảnh minh họa dự án nhà ở xã hội (PLO)

Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên đến 100.000 tỷ và thực hiện rất tốt, hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai một cách tích cực.

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số, các chương trình có chính sách đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

"Để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng", Phó Thống đốc khẳng định.

Với đà tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm và theo số liệu của NHNN, giới chuyên môn nhìn nhận khả năng đạt tăng trưởng tín dụng 16% hoàn toàn khả thi. Một số biến động tỷ giá, chênh lệch lãi suất USD- VND những tháng đầu năm, với điều hành linh hoạt, can thiệp điều tiết cung - cầu của cơ quan quản lý, cộng hưởng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có 2 lần hạ lãi suất vào khoảng tháng 9 hoặc 10 tới đây, tỷ giá cũng được kỳ vọng sẽ được kiểm soát ổn định, trong biên độ +-5% đã được NHNN đặt ra từ đầu năm. Theo đó, dư địa để cơ quan quản lý điều hành tiền tệ với định hướng tăng trưởng tín dụng như mục tiêu và giữ mặt bằng lãi suất thấp, nới lỏng tiền tệ linh hoạt, thuận lợi hơn.

Lê Mỹ