Mỹ - Trung sẽ hợp tác trong cuộc đua đổi mới sản xuất?
Trung Quốc có thể tận dụng thế mạnh đổi mới trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến để cải thiện quan hệ kinh doanh với Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Robert Pape của Đại học Chicago cho rằng Trung Quốc có thể “trỗi dậy trong hòa bình” để trở thành siêu cường hàng đầu thế giới thông qua sức mạnh đổi mới, nếu nước này tiếp tục có những phản ứng “vừa phải” trước chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Pape đã nhấn mạnh đến mô hình gọi là “mô hình Vũ Hán”, tức các cụm liên kết giữa đại học và doanh nghiệp tại các thành phố hạng hai ở Trung Quốc, tập trung vào sản xuất tiên tiến như một hướng đi có thể giúp hồi sinh các thành phố công nghiệp cũ ở Mỹ.
“Họ đang tích hợp nghiên cứu của các trường đại học vào ngành công nghiệp tư nhân. Nhưng điều này không chỉ xảy ra ở Stanford và Silicon Valley hay Harvard, MIT và khu vực Boston, mà đang diễn ra tại một thành phố hạng hai,” ông Pape nói.
Trong chuyến thăm một số tập đoàn công nghệ lớn tại các thành phố như Vũ Hán, Hàng Châu và Thâm Quyến, ông Papee cho biết, trong những năm gần đây những thành phố này đã vươn lên trở thành các thành phố hạng nhất nhờ sự phát triển vượt bậc về đổi mới và công nghiệp.
Việc Trung Quốc chủ động theo đuổi mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học đang được xem là chiến lược dài hạn để giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài và nâng cao vị thế chiến lược.
Trong khi đó, Mỹ lại đang đối mặt với tình trạng chia rẽ nội bộ sâu sắc, với sự trỗi dậy của bạo lực chính trị và căng thẳng ý thức hệ. Điều này, theo ông Pape, không chỉ làm suy yếu khả năng hoạch định chính sách đối ngoại bền vững của Washington, mà còn khiến nước Mỹ khó duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu như trước.
“Câu chuyện không còn là Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc, mà là liệu Mỹ có thể tái tạo sức mạnh từ bên trong để cạnh tranh một cách lành mạnh và hiệu quả hay không,” ông nói.
Theo chuyên gia này, tương lai quan hệ Mỹ-Trung phụ thuộc vào việc liệu mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước có mang lại lợi ích cho tầng lớp lao động tay chân tại Mỹ hay không. Đây chính là nền tảng chính trị cốt lõi định hình chính sách đối nội và đối ngoại của ông Trump.
Một số nhà phân tích như Kurt Campbell, Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Biden từng nhấn mạnh rằng việc xây dựng lại lòng tin chiến lược với Trung Quốc phải đi đôi với các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động Mỹ.
Trong bối cảnh đó, gợi ý của ông Pape về việc áp dụng “mô hình Vũ Hán” vào các thành phố công nghiệp suy thoái ở Mỹ có thể là một trong những hướng đi khả thi.
Nếu được triển khai đúng cách, nó không chỉ giúp Mỹ tái cấu trúc nền công nghiệp mà còn góp phần giảm thiểu chủ nghĩa bảo hộ cực đoan – vốn là động lực chính của chính sách thương mại đối đầu.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế quốc tế Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Asia Society Policy Institute nhận định, điều này sẽ đòi hỏi một số ý tưởng xây dựng mới. Trung Quốc đang gây ấn tượng về mức độ phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, điều mà Mỹ chưa từng đạt được.
Tuy nhiên, bà Wendy Cutler cũng lưu ý rằng dù Trung Quốc có thể tận dụng đổi mới sáng tạo để củng cố vị thế, nhưng nguy cơ “mất kiểm soát trong cạnh tranh công nghệ” vẫn hiện hữu.
Bà Cutler cho rằng, nếu không có cơ chế giảm căng thẳng hiệu quả, việc cả hai nước đều thúc đẩy tự lực công nghệ có thể dẫn đến “chia tách hệ sinh thái toàn cầu” và kéo dài tình trạng bất định cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, phản ứng ôn hòa của Trung Quốc cần đi kèm với các nỗ lực chủ động thiết lập kênh đối thoại và chia sẻ lợi ích với Mỹ để tránh đối đầu mang tính hệ thống. Để tránh rơi vào vòng xoáy xung đột, các chuyên gia đồng thuận rằng, cả Mỹ và Trung Quốc cần tái thiết lập khuôn khổ hợp tác không chỉ về kinh tế mà còn ở cấp độ chiến lược nhằm bảo đảm không bị cuốn vào cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh mới.