Thuế “chặn” mặt trước, thép giá rẻ “lách” vòng từ bên hông
Thuế chống bán phá giá được kỳ vọng như hàng rào, nhưng thực tế, thép giá rẻ vẫn ồ ạt tràn vào, khiến doanh nghiệp nội tiếp tục oằn mình chống đỡ…
Sau nhiều tháng kiến nghị, ngành thép nội địa cuối cùng cũng được “bảo hộ” bằng mức thuế 23,1–27,83% áp với thép cuộn cán nóng (HRC) Trung Quốc có khổ ≤1.880 mm. Nhưng thị trường không chờ đợi để thích nghi. Ngay trước thời điểm chính sách có hiệu lực, thép HRC khổ rộng, vốn không nằm trong diện áp thuế đã ồ ạt dội về.
Dựng hàng rào thuế, thép giá rẻ lại có đường “vòng”
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, chỉ riêng tháng 5/2025, lượng nhập HRC khổ 1.900 – 2.000 mm từ Trung Quốc tăng gấp 25 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập hơn 430.000 tấn loại HRC khổ rộng - con số gấp 12 lần cùng kỳ 2024. Một cú nhảy số liệu không thể xem là ngẫu nhiên. Giới chuyên gia nhận định điều này phản ánh sự thích ứng nhanh đến đáng ngại, thậm chí cần nhìn thẳng đây là một chiến lược né thuế có chủ đích.

Loại thép khổ rộng này không khác biệt về công năng, thậm chí có thể dễ dàng cắt xẻ lại để phù hợp nhu cầu thực tế. Về hình thức, việc nhập khẩu là hợp pháp. Nhưng về bản chất, đó là kẽ hở chính sách bị khai thác triệt để và đáng tiếc là không phải lần đầu. Những gì đang diễn ra cho thấy hàng rào thuế tuy được dựng lên, nhưng vẫn để lọt một lối vòng kỹ thuật.
Tưởng chừng chính sách thuế sẽ giúp các nhà sản xuất thép trong nước lấy lại thị phần, nhưng hàng giá rẻ khổ rộng tiếp tục hạ giá đầu ra, đẩy sản phẩm nội vào thế co cụm. Mỗi tấn thép nhập thấp hơn từ 1 – 2 triệu đồng so với thép nội, một khoảng cách không nhỏ trong bối cảnh chi phí đầu vào leo thang.
“Với đà này, các nhà máy sản xuất HRC trong nước buộc phải cắt giảm công suất, thậm chí tính đến phương án tạm ngừng hoạt động. Không ai chịu nổi khi vừa gánh chi phí đầu vào tăng cao, vừa bị thép giá rẻ lách thuế chèn ép trên cùng một thị trường”, đại diện một doanh nghiệp ngành thép tại Hà Nội chia sẻ.
Đáng chú ý, không chỉ mất thị phần, nhiều doanh nghiệp nội còn lo ngại tình trạng tồn kho tăng, đơn hàng giảm, dây chuyền sản xuất đứt đoạn. Các ngành phụ trợ như tôn mạ, thép ống, cơ khí…vốn phụ thuộc vào đầu vào là HRC nội cũng đang chịu áp lực nặng nề.
Cần phản ứng chính sách nhanh hơn thị trường
Theo Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts, hành vi chuyển sang nhập khẩu loại HRC khổ rộng để tránh rơi vào diện bị áp thuế có thể không vi phạm pháp luật ở thời điểm hiện tại, nhưng rõ ràng đã làm suy giảm hiệu lực chính sách phòng vệ thương mại.

“Khi cơ quan chức năng đã xác định rõ mục tiêu bảo hộ ngành sản xuất trong nước, thì bất kỳ biểu hiện nào của hành vi lẩn tránh nghĩa vụ thuế, dù bằng thay đổi hình thức hay thông số đều cần được xem xét mở rộng điều tra hoặc áp dụng biện pháp bổ sung. Đây là nguyên tắc mà nhiều nước đã áp dụng, và Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để làm tương tự”, bà Nhung nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cũng đồng tình và cho rằng, trong các vụ việc có dấu hiệu “né chính sách bằng kỹ thuật thương mại”, pháp luật Việt Nam hoàn toàn cho phép áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế nếu chứng minh được mối quan hệ giữa sản phẩm né thuế và hàng hóa bị điều tra.
“Chúng ta không chỉ cần một hàng rào thuế, mà cần một cơ chế giám sát sống động, phản ứng nhanh, có khả năng cập nhật hành vi thực tế từ doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu không, chính sách sẽ luôn bị thị trường đi trước một bước và như vậy, mục tiêu bảo vệ sản xuất nội địa sẽ chỉ còn là khẩu hiệu”, ông Luân nhận định.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như ngành thép, một chính sách dù đúng hướng nhưng thiếu khả năng điều chỉnh linh hoạt sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa. Việc lách thuế thông qua thay đổi thông số kỹ thuật chỉ là bước đầu, điều đáng lo hơn là sự thích nghi có tổ chức và tinh vi của các dòng hàng nhập khẩu.
Muốn chính sách phát huy hiệu quả thực chất, cơ quan quản lý cần sớm xem xét mở rộng điều tra đối với các sản phẩm có tính năng tương đương, siết chặt hậu kiểm tại hải quan, đồng thời cập nhật tiêu chí phân loại theo biến động thị trường. Khi thị trường vận hành với tốc độ ngày một nhanh, thì độ trễ chính sách, nếu không được khắc phục sẽ là lỗ hổng lớn nhất khiến mọi hàng rào trở nên vô dụng.