Sòng bạc nghìn tỷ tại khách sạn Pullman “lách” luật thế nào?
106 triệu USD giao dịch trong một sòng bạc trá hình giữa Thủ đô. Tất cả được hợp pháp hóa chỉ bằng… những chiếc thẻ hội viên in tên giả...
Một chiếc thẻ hội viên in tên nước ngoài. Một giấy phép tổ chức câu lạc bộ poker “dành riêng cho người nước ngoài”. Và rồi một sòng bạc vận hành công khai, sát phạt hàng trăm, hàng nghìn người Việt, với tổng dòng tiền lên tới hơn 106 triệu USD. Điều gì đã cho phép những mảnh ghép hợp pháp ấy lắp ráp thành một mô hình phi pháp giữa lòng Thủ đô?

King’s Poker Club tại khách sạn Pullman được cấp phép tổ chức câu lạc bộ poker chỉ dành cho người nước ngoài, nhưng thực tế nơi đây đã trở thành một “casino ngầm trá hình”, hoạt động rầm rộ, sát phạt công khai. Trong số 136 người bị khởi tố, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đánh bạc hơn 7 triệu USD, một cựu Bí thư tỉnh Hòa Bình chi 4,2 triệu USD, và ca sĩ Nguyễn Thế Vũ (Mr. T) “nướng” 4,3 triệu USD chỉ sau 116 phiên chơi.
Tất cả đều bước qua cánh cửa pháp luật một cách dễ dàng, chỉ với một chiếc thẻ hội viên ghi tên… nước ngoài.
Điều đáng nói là thẻ hội viên này được sản xuất hàng loạt, in sẵn tên giả, mã số ảo, không kiểm chứng. Người Việt cầm thẻ có tên nước ngoài là có thể đánh bạc hợp pháp. Một “xã hội nhỏ” được tổ chức bài bản bên trong vỏ bọc pháp lý - nơi danh tính, dòng tiền, và cả trách nhiệm kiểm soát đều bị vô hiệu.
Vậy câu hỏi đặt ra là: ai đang giám sát hoạt động thực tế của những mô hình như King Club? Có cơ quan nào kiểm đếm người vào – ra, xác minh danh tính, đối chiếu hồ sơ không? Hay giấy phép chỉ được cấp một lần và sau đó để doanh nghiệp tự vận hành, tự kiểm soát, tự báo cáo?
Pháp luật đã có quy định. Nhưng nếu “điều kiện kinh doanh” không được kiểm chứng thường xuyên, không đi kèm năng lực giám sát thực tế thì sẽ trở thành giấy phép… để vô hiệu mọi điều kiện. Danh tính giả mạo, dòng tiền không truy xuất, thẻ hội viên được sản xuất vô tội vạ… tất cả đang đẩy ranh giới giữa hợp pháp và phi pháp trở nên mong manh.
Thực tế, King Club không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, từng có nhiều mô hình “casino cho người nước ngoài” ở các tỉnh du lịch bị phản ánh vận hành mập mờ, lách luật. Nhưng khác biệt lần này là quy mô quá lớn, thủ đoạn quá tinh vi và sự buông lỏng kiểm tra từ cả cơ quan cấp phép lẫn đơn vị giám sát sau cấp phép.
Và khi vụ án bị phát hiện, vẫn là kịch bản quen thuộc: xử lý doanh nghiệp, khởi tố cá nhân. Nhưng gần như không ai đặt câu hỏi: hệ thống nào cho phép chuyện đó kéo dài nhiều năm, qua tay hàng trăm, hàng nghìn người, luồng tiền hàng nghìn tỉ mà không ai phát hiện?
Vấn đề nằm ở phòng ngừa, không chỉ xử lý. Chúng ta không thể tiếp tục “cấp phép rồi phó mặc”, nhất là với các mô hình dễ bị lợi dụng như trò chơi có thưởng, câu lạc bộ poker. Không thể chỉ định danh bằng giấy, mà phải kiểm soát bằng thực thể: định danh điện tử, thiết bị xác thực, camera, hệ thống báo cáo dữ liệu tự động. Không thể trông chờ vào thiện chí doanh nghiệp, khi chính mô hình ấy đang sinh lợi khổng lồ nhờ hành vi lách luật.
Một chiếc thẻ in tên nước ngoài không thể là hộ chiếu hợp pháp cho người Việt bước vào sòng bạc ngầm. Và thể chế không thể chỉ đứng nhìn khi danh nghĩa “kinh doanh có điều kiện” đang trở thành tấm bình phong vô hiệu hóa mọi điều kiện kiểm soát.
Nếu không bịt lại những khoảng mờ, thì giấy phép sẽ mãi là công cụ hợp pháp hóa sai phạm - ngay trong chính hệ thống pháp lý được tạo ra để ngăn chặn.