Công nghệ

Làng nghề Nguyên Xá áp dụng chuyển đổi số để giảm ô nhiễm môi trường

Lê Cường 07/07/2025 00:20

Để hạn chế ô nhiễm môi trường, thời gian qua làng nghề Nguyên Xá đã thay đổi cách vận hành, bằng cách đưa công nghệ số vào hoạt động sản xuất.

Giữa áp lực môi trường ...

Làng nghề Nguyên Xá là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở xã Vũ Thư – Hưng Yên. Hiện làng nghề có 677 hộ với 2.668 lao động. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng của làng nghề năm 2024 đạt 255 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Những con số ấy cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực làng nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1.jpg
Nghề chế biến gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đang tạo áp lực lên môi trường của làng nghề Nguyên Xá - xã Vũ Thư - Hưng Yên

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cũng kéo theo áp lực không nhỏ, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường từ bụi mịn, khí độc, tồn dư sơn PU, tiếng ồn... ngày càng đặt ra những thách thức lớn. Các cơ sở sản xuất phần lớn vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa có điều kiện xử lý chất thải bài bản, là bài toán nan giải về môi trường.

Trước thực tế đó, địa phương đã chủ động phối hợp với các cấp có thẩm quyền để sớm triển khai dự án mở rộng cụm công nghiệp Nguyên Xá theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhằm tách khu sản xuất khỏi khu dân cư. Đồng thời thu hút và tiếp nhận các dự án doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường.

Song song với đó là các giải pháp nâng cao ý thức, năng lực cho chính người dân, doanh nghiệp hiện hữu thông qua tập huấn kiến thức về quy trình sản xuất sạch hơn, áp dụng quy trình cải tiến và kỹ thuật mới để vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thời gian gần đây, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức khoa học và hàng trăm người dân, hộ sản xuất và doanh nghiệp tại làng nghề Nguyên Xá đã được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn: từ sử dụng nguyên vật liệu hiệu quả, quy trình xử lý chất thải, giảm thiểu bụi và khí độc, đến an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp.

Không chỉ có các doanh nghiệp, nhiều hộ với quy mô sản xuất nhỏ cũng có tư duy đổi mới, tinh thần học hỏi và sẵn sàng thay đổi để phát triển bền vững.

Ông Vũ Văn Kiệm - chủ hộ sản xuất đồ mộc mỹ nghệ trong cụm làng nghề chia sẻ: Sau khi tôi đầu tư thay máy chà cũ bằng loại mới có bộ lọc bụi; sơn PU cũng dùng loại thân thiện hơn, giảm mùi hắc, thấy hiệu quả rõ rệt cả về chất lượng sản phẩm và chi phí sản xuất, nhất là an toàn cho người và máy móc trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố cháy, nổ.

Ngày trước cứ nghĩ mình làm nhỏ không ảnh hưởng gì tới môi trường, nhưng giờ tôi cũng như mọi người trong làng nghề đều hiểu, mỗi hộ thay đổi, chung tay bảo vệ môi trường thì làng nghề mới bền được.

3.jpg
Công ty đồ gỗ mỹ nghệ Khởi tiếp đưa công nghệ số vào điều khiển máy cắt CNC

...đến tạo giá trị mới từ nhờ áp dụng công nghệ

Đứng trước áp lực ô nhiễm môi trường ngày càng lớn từ hoạt động sản xuất mây tre đan và đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, làng nghề Nguyên Xá đang từng bước thay đổi cách vận hành. Áp dụng chuyển đổi số và kết hợp dùng công nghệ để giải phóng sức lao động, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trẻ tại làng nghề Nguyên Xá chọn để khởi nghiệp, từ đó tạo nên giá trị mới từ nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Giám đốc công ty TNHH Khởi Tiếp cho biết: Trước đây, trong quá trình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tất cả công đoạn chạm, đục, điêu khắc gỗ chủ yếu phải làm thủ công.

Để hoàn thành 1 sản phẩm chạm khắc tinh xảo tốn nhiều thời gian, công sức, làm tăng giá thành. Đặc biệt làm ảnh hưởng ra môi trường bụi mịn, khí độc, tồn dư sơn PU. Sau thời gian tìm hiểu, tôi thấy rằng nghề mộc đã có sự thay đổi theo thị hiếu của người tiêu dùng, cả về chất lượng lẫn thẩm mỹ, buộc chúng tôi phải sử dụng công nghệ trên các loại máy móc để tiết kiếm thời gian và chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo ông Tiếp, nhờ công nghệ số chúng tôi biết tính toán các quy trình như: lựa chọn vật liệu đến sử dụng máy móc, sơn, xử lý bụi và rác thải giảm hẳn chi phí thất thoát, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là giữ được môi trường làm việc sạch sẽ cho người lao động.

Hiện nay, làng nghề đã có 80% hộ đã áp dụng các công nghệ vào sản xuất và bán hàng. Nghề mộc trước đây cần những thợ lớn tuổi, lành nghề nhưng nay với sự hỗ trợ của máy móc công nghệ, ngày càng có nhiều người trẻ chọn nghề mộc để khởi nghiệp.

Thủ công mỹ nghệ không phải là nghề mới, song với việc kịp thời nắm bắt và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, rất nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ làng nghề Nguyên Xá đã tìm thêm hướng đi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tạo nên những giá trị mới từ nghề truyền thống.

Thực tế triển khai sản xuất sạch hơn tại làng nghề xã Nguyên Xá cho thấy, chỉ cần thay đổi hợp lý một vài khâu kỹ thuật đã có thể tiết kiệm 5 - 10% chi phí mỗi tháng, đồng thời môi trường làm việc sạch sẽ hơn giúp tăng năng suất lao động. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp bước đầu tính toán hướng tới việc đạt chứng nhận sản phẩm xanh, mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành lớn.

Được biết, nhờ sự phối hợp giữa địa phương và các cơ quan chuyên môn và các tổ chức khoa học, gần đây hàng trăm người dân, hộ sản xuất và doanh nghiệp tại làng nghề Nguyên Xá đã được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn: từ sử dụng nguyên vật liệu hiệu quả, quy trình xử lý chất thải, giảm thiểu bụi và khí độc, đến an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Đạt, Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực, người trực tiếp tham gia đào tạo và tư vấn cho làng nghề khẳng định: Đưa khoa học công nghệ và sản xuất không có nghĩa là đầu tư thật nhiều tiền. Đôi khi chỉ cần thay đổi một thói quen, cải tiến nhỏ trong quy trình cũng đã tiết kiệm chi phí, giảm phát thải đáng kể. Quan trọng nhất là thay đổi tư duy, từ sản xuất bất chấp sang sản xuất có trách nhiệm. Đặc biệt, khi gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, người dân và doanh nghiệp cũng dần xây dựng được thương hiệu làng nghề đi cùng sự phát triển bền vững..

2.jpg
Làng nghề mộc Nguyên Xá tạo giá trị mới từ nghề truyền thống nhờ áp dụng công nghệ và chuyển đổi số

Theo lãnh đạo xã Vũ Thư: Việc người dân, doanh nghiệp được tập huấn kiến thức và áp dụng khoa học công nghệ tốt quy trình sản xuất sạch hơn, ngoài giải quyết tốt bức xúc về ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, người dân làng nghề, còn giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững.

Làng nghề truyền thống vốn được ví như linh hồn của văn hóa địa phương. Nhưng nếu không chuyển mình, không xanh hóa sản xuất, di sản ấy sẽ đối mặt với nguy cơ mai một. Việc người dân, doanh nghiệp làng nghề Nguyên Xá được tập huấn và áp dụng đưa khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất sạch hơn không đơn thuần là thay đổi kỹ thuật sản xuất, mà là một cuộc chuyển đổi về nhận thức, văn hóa, về cách làm kinh tế hiện đại, tạo nền tảng quan trọng để phát triển bền vững.

Lê Cường