Thiếu hụt kỹ năng - rào cản phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam
Chuyên gia RMIT cảnh báo rằng sự thiếu hụt kỹ năng có thể cản trở đà tăng trưởng của ngành du lịch nếu công tác phát triển nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng.
Cơ hội tăng trưởng mới
Ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID. Năm 2024, Việt Nam đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm 2023 và đạt 97,6% so với mức trước đại dịch. Trong nửa đầu năm nay, lượng khách quốc tế đạt 10,5 triệu lượt (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi du lịch nội địa cũng tăng mạnh.
Đáng chú ý, theo Hàn thử biểu của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), Việt Nam có mức tăng trưởng khách quốc tế cao thứ sáu thế giới và cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý 1 năm 2025, đứng trước Nhật Bản.
Song song với mức tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đang đón đầu xu hướng mới trong ngành du lịch và khách sạn. Lĩnh vực sự kiện và giải trí được thúc đẩy bởi người tiêu dùng thuộc thế hệ Z và Millenials đã bùng nổ trong hai năm qua, góp phần thúc đẩy doanh thu cho các khách sạn, nhà hàng và doanh nghiệp địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2024 đã có hơn 50 sự kiện âm nhạc lớn được tổ chức trên toàn quốc, thu hút tới 40.000 người tham dự cho mỗi sự kiện. Các buổi concert đình đám của Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai “say hi” hay của nghệ sĩ Hà Anh Tuấn đã tạo ra doanh thu hàng trăm tỉ đồng.

Lĩnh vực tổ chức sự kiện đang thay đổi, với các định dạng trực tuyến hoàn toàn hay kết hợp trực tiếp và trực tuyến, cũng tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới trong khâu quản lý, sản xuất, tiếp thị và hỗ trợ kỹ thuật sự kiện.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ khách sạn đa quốc gia đang mang đến Việt Nam nhiều công nghệ mới, vốn đã được đón nhận tại các nước phát triển khác, từ đó thúc đẩy cách làm việc mới. Các nhà cung cấp dịch vụ khách sạn đang dần áp dụng các công nghệ như robot, AI và phân tích dự đoán để nâng cao chất lượng dịch vụ và hỗ trợ ra quyết định.
Lực lượng lao động đang vật lộn để theo kịp
Mặc dù có nhiều hướng tăng trưởng mới, ngành du lịch và khách sạn vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề.
Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận định: “Số lượng nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với quy mô hoạt động du lịch đang phát triển mạnh. Sự chênh lệch này có thể khiến chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng bị giảm sút”.

Tiến sĩ Kanagasapapathy giải thích rằng khả năng thu hút nhân lực của ngành du lịch bắt đầu giảm khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm rời bỏ ngành và không quay lại. Mặc dù ngành đã phát triển mạnh mẽ trở lại gần đây, nhiều người đã chọn rời khỏi ngành vĩnh viễn và tập trung vào những công việc giúp họ vượt qua đại dịch. Hiện tượng này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực và chuyên môn hiện nay.
Cùng với đó, hệ thống giáo dục du lịch tại Việt Nam được đánh giá là quá lý thuyết và rời rạc. Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn RMIT Việt Nam, ủng hộ việc đánh giá lại và cải tổ chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về dịch vụ nhà hàng - khách sạn.
“Nhiều chương trình đào tạo hiện có tại Việt Nam vẫn còn theo khuôn mẫu cũ. Chúng ta cần các chuyên ngành học mới và môn học sát với thực tế ngành như Quản lý doanh thu, Quản lý tài sản, Quản lý hàng xa xỉ, Quản lý sức khỏe và thậm chí là Quản lý công viên giải trí/điểm tham quan”, ông cho biết. “Những kỹ năng quản lý này vẫn cần được bổ trợ bởi các kỹ năng nghề nghiệp vốn là nền tảng của hoạt động khách sạn”.
Tiến sĩ Pang cũng cho rằng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo về du lịch và khách sạn.
“Các cơ sở giáo dục cần đáp ứng thực tế của doanh nghiệp tốt hơn. Chúng tôi muốn nhận được lời khuyên của doanh nghiệp dựa trên phân tích nhu cầu hoạt động của họ. Chúng tôi cũng khuyến khích các công ty ‘trân trọng’ nhân viên mới hơn vì đây là đội ngũ lãnh đạo tương lai của ngành – chúng ta cần giúp họ cảm thấy được chào đón và đánh giá cao, đồng thời nhìn thấy triển vọng nghề nghiệp lâu dài trong lĩnh vực này, bắt đầu từ mức lương tốt và cân bằng giữa công việc và cuộc sống”.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực
Với bối cảnh du lịch đang thay đổi ở cả Việt Nam và nước ngoài, ngành này cần phải nhanh chóng chuyển đổi để nắm bắt cơ hội và đối phó với những thách thức phía trước. “Việt Nam không thể trông chờ vào các bộ ngành riêng lẻ để giải quyết những vấn đề này. Cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để huy động tất cả các bên liên quan tập trung nhiều hơn vào du lịch”, Tiến sĩ Kanagasapapathy nhận định.
Việc sắp xếp, tinh gọn các cơ quan chính phủ trong giai đoạn vừa qua là ví dụ cho thấy chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hiệu quả cao hơn. Các chuyên gia Đại học RMIT hy vọng động lực này sẽ tiếp tục được phát huy tại các cơ quan chủ chốt như Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất, tích hợp và linh động hơn đối với công tác phát triển nguồn nhân lực và thu về lợi thế kinh tế từ quy mô.
“Khi Việt Nam định vị mình là điểm đến toàn cầu cho cả du lịch và văn hóa, lực lượng lao động trong nước cần được trang bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng xung quanh”, Tiến sĩ Pang cho biết.
“Với các khoản đầu tư phù hợp vào các lĩnh vực mới nổi trong ngành du lịch, kết hợp với cải cách chương trình giáo dục và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, Việt Nam có thể biến những thách thức hiện tại thành lợi thế cạnh tranh lâu dài”, ông nói.