Điện Biên xây dựng xã hội số toàn diện
Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2026 có 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành có kiến thức, kỹ năng cơ bản về số hóa, sẵn sàng tham gia tích cực vào xã hội số.
Hướng tới mục tiêu phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho toàn dân, góp phần xây dựng xã hội số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và công dân số, mới đây UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch triển khai “Phong trào bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Số hoá đồng bộ
Chương trình “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và kỹ năng số cho người dân với tinh thần phổ cập toàn dân, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm trong tiến trình chuyển đổi số. Mục tiêu là đảm bảo mọi công dân đều có thể tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng các tiện ích từ công nghệ số trong đời sống hằng ngày.

Kế hoạch đặt mục tiêu bảo đảm phổ cập kỹ năng số cho 4 nhóm đối tượng gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công; học sinh, sinh viên; người lao động trong doanh nghiệp; người dân. Việc triển khai được thực hiện đồng bộ, có đánh giá, theo dõi theo từng nhóm cụ thể, đặc biệt chú trọng việc triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngay trong năm 2025, tỉnh đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: trên 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành biết chữ có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số và biết sử dụng thiết bị thông minh để khai thác các dịch vụ số thiết yếu; trên 120 nghìn người dân được xác nhận đạt chuẩn phổ cập kỹ năng số trên nền tảng VNeID; 90% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác trên môi trường số.
Đến năm 2026, sẽ có 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành tại tỉnh Điện Biên có kiến thức cơ bản về số hóa, sở hữu kỹ năng số phù hợp, sẵn sàng tham gia và phát triển trong môi trường số.
Đặc biệt, tỉnh đặt ra mục tiêu, năm 2026, 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất kinh doanh, nang cao năng suất lao động.
Đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng phù hợp với tình hình thực tiễn, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc xây dựng xã hội số toàn diện. Qua đó, phong trào góp phần thu hẹp khoảng cách số, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển.
Phong trào cũng xác định rõ vai trò trung tâm của người dân trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh sự lãnh đạo, định hướng và tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng hành của tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phát động phong trào thi đua học tập số rộng khắp đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và các đơn vị công nghệ đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng hệ sinh thái học tập số đa dạng, phong phú, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, bảo đảm phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phong trào khuyến khích mạnh mẽ tinh thần tự học, tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi cá nhân được khuyến khích chủ động khai thác các dịch vụ, nền tảng và công nghệ số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.
Thực chất và lan toả sâu rộng
Để phong trào “Bình dân học vụ số” đi vào thực chất và lan tỏa sâu rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô yêu cầu việc triển khai các nội dung phong trào cần thực hiện bài bản, linh hoạt, sáng tạo bằng các giải pháp, như: Ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng học tập trực tuyến; tập huấn, đào tạo phân tầng theo nhóm đối tượng; phát huy các mô hình hiệu quả như “Đại sứ số”, “Gia đình số”, “Chợ số, nông thôn số” và đặc biệt, phát huy vai trò “Tổ công nghệ số cộng đồng”, bền bỉ thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”.
Ông Lê Thành Đô yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm và quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị- xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân phát huy vai trò nêu gương, tiên phong trong học tập, ứng dụng và lan tỏa tri thức số.

"Mỗi cơ sở giáo dục, mỗi doanh nghiệp phải trở thành trung tâm lan tỏa công nghệ, là hạt nhân trong quá trình chuyển đổi số cộng đồng. Mỗi người dân, không phân biệt lứa tuổi hay nghề nghiệp, cần chủ động học hỏi, nâng cao kỹ năng số, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau, cùng nhau xây dựng một cộng đồng số vững mạnh, nhân văn và phát triển.
Thành công của phong trào sẽ được đo bằng sự thay đổi thực chất về năng lực số, năng suất lao động và chất lượng sống, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số - xã hội số - kinh tế số ở tỉnh Điện Biên"- ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.
Với phong trào “Bình dân học vụ số”, Điện Biên không chỉ cho thấy sự chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi số mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong xây dựng một xã hội công bằng về cơ hội tiếp cận công nghệ. Đây chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong kỷ nguyên số.