Tính toán của ông Trump về mức thuế mới với Nhật Bản và Hàn Quốc
Ông Trump gây chấn động thị trường khi áp thuế mới từ 25–40% với cả những quốc gia đồng minh thân cận, nhưng vẫn để ngỏ cửa đàm phán trước hạn chót được gia hạn tới 1/8.
Tổng thống Donald Trump vừa gây nhiều tranh cãi khi công bố loạt thông báo đe dọa áp thuế lên tới 40% đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục quốc gia – bao gồm cả những đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại cuộc họp báo sau lễ ký sắc lệnh hành pháp, ông Trump nhấn mạnh hạn chót ngày 1 tháng 8 để áp dụng các mức thuế mới “không hoàn toàn cứng nhắc” và để ngỏ khả năng điều chỉnh, miễn là các đối tác thể hiện thiện chí. “Chúng tôi không muốn không công bằng,” ông Trump nói, đồng thời cho biết vẫn đang đàm phán với Ấn Độ và một số nước khác.

Đánh vào những điểm yếu chính trị
Việc lựa chọn Nhật Bản và Hàn Quốc là mục tiêu đầu tiên đã khiến nhiều người bất ngờ – nhất là khi cả hai đều là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ tại châu Á. Tuy nhiên, theo Thư ký báo chí Karoline Leavitt, đó đơn giản là “sự lựa chọn của Tổng thống”.
Thực tế cho thấy thời điểm ông Trump "tung đòn" không phải ngẫu nhiên. Hàn Quốc vừa có tân Tổng thống, ông Lee Jae-myung, nhậm chức chưa đầy một tháng. Nhật Bản đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử thượng viện, khiến chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba khó có thể nhượng bộ dễ dàng.
“Việc đàm phán theo lịch trình rút ngắn của ông Trump là điều rất khó,” theo nhận định từ các quan chức thương mại giấu tên được Bloomberg trích dẫn.
Thông tin từ Nhà Trắng lập tức tác động lên thị trường tài chính. Cả S&P 500 và Nasdaq 100 đều giảm 0,8%, đồng thời đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền của những nước bị nhắm đến. Cổ phiếu của Toyota và Honda lao dốc lần lượt 4,3% và 3,9%, cho thấy các nhà đầu tư e ngại ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Jonathan Gold, Phó chủ tịch chính sách chuỗi cung ứng tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), nhấn mạnh người chịu thiệt thực tế là các công ty Mỹ. “Tất cả khoản thu mới này thực chất chỉ là thuế đánh vào doanh nghiệp Mỹ,” ông viết trên LinkedIn.
Ông Trump cũng nhắm đến nhóm các nước BRICS – bao gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi – với lời đe dọa áp thêm 10% thuế lên bất kỳ nước nào “liên minh với các chính sách chống Mỹ”. Đây là động thái rõ ràng cho thấy chiến dịch thương mại lần này không đơn thuần là kinh tế, mà còn mang màu sắc địa chính trị.
Nhiều hệ lụy về pháp lý và kinh tế
Ông Donald Trump lập luận rằng các khoản thuế sẽ giúp bổ sung ngân sách khi quốc hội vừa thông qua gói cắt giảm thuế và chi tiêu trị giá 3.400 tỷ USD. Tuy nhiên, giới quan sát không bỏ qua rủi ro pháp lý: một tòa án thương mại đã từng phán quyết phần lớn các mức thuế mới là bất hợp pháp theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).
Ông Trump hiện chuyển sang sử dụng Mục 232 của Luật Mở rộng Thương mại để áp thuế theo ngành, vốn ít bị bác bỏ hơn. Điều này mở ra khả năng áp thuế diện rộng lên cả nguyên liệu và hàng tiêu dùng nhập khẩu.

Trong khi đó, nỗi lo lạm phát quay trở lại sau thông tin này. Bloomberg Economics ước tính nếu các mức thuế được nâng lên toàn phần, mức thuế trung bình cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể tăng từ dưới 3% trước khi ông Trump nhậm chức lên khoảng 20%.
Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cảnh báo: “Giữa thuế cao hơn, giá dầu tăng và các hạn chế nhập cư, lạm phát tại Mỹ sẽ tăng trong những tháng tới.”
Kéo các bên về bàn đàm phán
Mặc dù đòn áp thuế rất mạnh tay, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng đàm phán. “Chúng tôi đã có thỏa thuận với Anh, Trung Quốc, gần xong với Ấn Độ,” ông nói, như một lời nhắc rằng nước nào nhượng bộ sẽ được thưởng, còn nước nào cứng rắn sẽ bị trừng phạt.
Đây là mô hình thương lượng đặc trưng của ông Trump: đẩy đối phương vào thế bí bằng thời gian gấp rút, đòn dọa thuế và sự biến động thị trường.
Dù là hai đối tác thương mại và đồng minh quan trọng, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang bất đồng với Mỹ trong những vấn đề then chốt như mở cửa thị trường ô tô, nhập khẩu nông sản và các rào cản phi thuế quan khác. Đây là những nút thắt chưa được tháo gỡ và được các chuyên gia cho là lý do khiến chính quyền Mỹ đẩy mạnh áp lực qua "lá bài" thuế quan.
Trong một thế giới hậu toàn cầu hóa, phương pháp này có thể hiệu quả ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, hệ quả là sự bất ổn lan rộng – với các doanh nghiệp, thị trường tài chính, và chính cả các đồng minh thân cận của Mỹ.