Tận dụng cạnh tranh công nghệ Trung - Mỹ
Nhiều chuyên gia khuyến cáo các nước Đông Nam Á cần linh hoạt khi tiếp cận công nghệ tiên tiến của hai siêu cường hàng đầu thế giới.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang âm thầm diễn ra ở Đông Nam Á. Dưới áp lực phải chọn lựa một trong hai hệ thống, các chuyên gia cho rằng khu vực này hoàn toàn có thể tận dụng những gì tốt nhất của cả hai quốc gia khi xây dựng công nghệ riêng của mình.
Julian Gorman, người đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) cho rằng, sẽ là một diễn biến tiêu cực nếu Đông Nam Á buộc phải lựa chọn sử dụng công nghệ giữa một trong hai siêu cường. Lý do là bởi khu vực này phụ thuộc vào cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Các công ty công nghệ của Hoa Kỳ, như Google, Meta và Microsoft đã trở thành một phần không thể thiếu tại ASEAN. Trong khi đó, ngành công nghiệp di động của khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất công nghệ và phần cứng của Trung Quốc.
Một dẫn chứng khác, sự có mặt của DeepSeek từ Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) phương Tây cấp phép mã nguồn mở, có thể được sử dụng để xây dựng và điều chỉnh các mô hình theo mục tiêu riêng của doanh nghiệp trong khu vực.
Về phần cứng, Hoa Kỳ vẫn là nước dẫn đầu về bộ xử lý AI thông qua gã khổng lồ chip Nvidia, đang hạn chế quyền tiếp cận với Trung Quốc - nhưng với Đông Nam Á thì không. Điều này đem lại cơ hội rất tốt để các công ty AI trong khu vực trưởng thành.
Vì vậy, theo George Chen, CEO The Asia Group, đừng dễ dàng và quá nhanh chóng đứng về một phía. Hãy nghĩ về cách tối đa hóa tiềm năng kinh tế của bạn. Chen lý giải có khả năng bối cảnh AI thay đổi đáng kể trong một thập kỷ, khi Trung Quốc có thể cung cấp các giải pháp thay thế giá cả phải chăng hơn Nvidia.
Ngoài việc tận dụng công nghệ từ hai cường quốc, Đông Nam Á vẫn có lợi thế riêng trong không gian AI toàn cầu. AI dù xuất sắc đến mấy, cuối cùng vẫn phải áp dụng nó vào một sản phẩm hoặc dịch vụ thực tế. Đó là cách để chúng đóng góp tạo ra giá trị.
Đông Nam Á là khu vực này có môi trường ứng dụng mạnh mẽ, nhân khẩu học trẻ. Điều đó có nghĩa là giàu tiềm năng về nhân tài, nhân lực và chi phí R&D tương đối rẻ hơn so với những nơi khác. Ví dụ, Malaysia, Singapore đã trở thành những cường quốc toàn cầu về trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, chỉ có Malaysia và Singapore là chưa đủ, Đông Nam Á nên đặt mục tiêu thu hút các công ty có năng lực tiên tiến mà các ngành công nghiệp trong nước có thể học hỏi và hưởng lợi từ đó - một chiến lược mà Trung Quốc đã sử dụng để bắt kịp phương Tây về công nghệ tiên tiến.
Lợi thế của khối này còn có thể đóng vai trò chủ động trong quy định pháp lý về AI, muốn vậy khu vực này sẽ cần phải đoàn kết lại và thông qua các khuôn khổ chung để giành được vị trí nổi bật hơn trong ngành công nghiệp AI toàn cầu.