Hợp tác liên kết và phát triển bền vững
Sự kiện hợp nhất 2 Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam đánh dấu cột mốc quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển bền vững trong sự phát triển du lịch miền Trung.
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa chính thức tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành về việc hợp nhất giữa hai Hiệp hội tại Furama Resort Đà Nẵng. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch khu vực miền Trung. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên mới hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững và nâng cao vị thế của điểm đến Đà Nẵng sau sáp nhập trên bản đồ du lịch quốc tế.

Khai mạc hội nghị, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phát biểu: “Việc hợp nhất hai Hiệp hội là kết quả của quá trình thảo luận và thống nhất giữa lãnh đạo cùng các thành viên, nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết chặt chẽ để tối ưu hóa nguồn lực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường khả năng cạnh tranh. Thay vì hoạt động độc lập, một tổ chức chung sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, dễ dàng hơn trong việc kiến nghị chính sách, đầu tư, quảng bá chung và tạo ra các gói sản phẩm liên kết hấp dẫn du khách”.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ) cho rằng: “Việc sáp nhập này là bước đi quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu cho một sự hợp tác mạnh mẽ và bền vững giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Chúng tôi rất vui mừng vì có cơ hội cùng nhau xây dựng và phát triển du lịch khu vực, mang lại những giá trị mới mẻ và thu hút du khách trong và ngoài nước".
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng: Sự hợp nhất lần này không chỉ là sự cộng hưởng về mặt tổ chức, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch toàn vùng. Trong thời gian tới, công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên sẽ là một trọng tâm của Hiệp hội. Cùng với các đơn vị đào tạo nghiệp vụ du lịch - khách sạn chuyên sâu như IBH Academy, tôi mong muốn xây dựng các chương trình đào tạo cập nhật xu hướng mới trong quản trị thị trường, vận hành và chuyển đổi số để nhân sự có thể thích ứng nhanh với yêu cầu của ngành.

Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển các hoạt động định kỳ như diễn đàn du lịch, hội chợ, famtrip khảo sát điểm đến, các giải thưởng du lịch… sẽ tiếp tục được tổ chức đều đặn và mở rộng quy mô. Đây là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp trong và ngoài khu vực giao lưu, hợp tác, cùng nhau tạo dựng những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng”.
Được biết, trong quá trình hợp nhất, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng tích cực làm việc với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để đảm bảo sự đồng bộ về cơ cấu tổ chức, tiêu chí hoạt động của các Chi hội, Câu lạc bộ thành viên. Việc thống nhất này sẽ giúp hoạt động của Hiệp hội đi vào ổn định, minh bạch, hiệu quả, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp hóa ngành du lịch địa phương.
“Như vậy, việc hợp nhất không làm chia nhỏ chiếc bánh thị phần, mà ngược lại, sẽ giúp làm chiếc bánh đó phong phú hơn. Với một chiến lược sản phẩm đồng bộ, các doanh nghiệp du lịch có thể chủ động kết hợp dịch vụ, tạo ra nhiều lựa chọn mới mẻ cho du khách. Các doanh nghiệp nên đầu tư cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch để không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn xây dựng một hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, từ đó tạo ra những trải nghiệm độc đáo và khác biệt cho mọi du khách” - ông Nguyễn Đức Quỳnh nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ, ông Trần Kim Thọ - Tổng Thư ký Chi hội Khách sạn Đà Nẵng phát biểu: “Chi hội Khách sạn và Hiệp hội Du lịch nói chung cần tích cực phát triển những sự kiện định kỳ để phát triển điểm đến Đà Nẵng như sân chơi chuyên nghiệp như Giải bóng đá Cúp Hội Khách sạn Đà Nẵng, Cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng, Ngày hội Du lịch Đà Nẵng, Ngày Du lịch xanh Đà Nẵng,... Cùng với đó, các Chi hội, CLB cần triển khai họp sớm nhằm thống nhất phương hướng của Chi hội sau khi sáp nhập".
Cùng nhận định, bà Linh Chi - Trưởng Chi hội Homestay Villa ở Hội An chia sẻ: "Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, việc hợp nhất hai Hiệp hội Du lịch chính là cơ hội vàng để chúng ta đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững liên vùng. Khi Đà Nẵng và Quảng Nam cùng chung sức, chúng ta có thể phối hợp tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa mang tính liên kết mạnh mẽ hơn. Thậm chí, nếu mở rộng ra Huế, chúng ta sẽ tạo nên một hành trình trải nghiệm văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng độc đáo, thu hút một lượng khách quốc tế đáng kể về mỗi địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách muốn khám phá bản sắc văn hóa sâu sắc của miền Trung."
Sau cuộc họp, hai Hiệp hội đã đồng ý về chủ trương hợp nhất và đề cử ông Cao Trí Dũng làm Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.