Chuyên đề

3 khía cạnh tích cực lên và tích cực hơn với Việt Nam trong bối cảnh thuế quan

L.Mỹ 09/07/2025 16:46

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, những gì liên quan đến thuế quan vừa xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy sự tích cực mạnh lên ở một số khía cạnh, đặc biệt với Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng chắc chắn sẽ có thuế quan và tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm trong cả nửa cuối 2025 lẫn 2026. Nhưng những gì xảy ra trong tuần qua lại cho thấy sự tích cực mạnh lên ở một số khía cạnh, đặc biệt với Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam, chia sẻ tại Data Talk của VPBankS mới đây.

vp(1).jpg
Chuyên gia tin tưởng sự tích cực mạnh lên ở một số khía cạnh đối với Việt Nam trong nửa cuối năm và xa hơn.

Thứ nhất, ngay cả ở các kịch bản xấu nhất, khi thuế áp lên Việt Nam cao hơn các đối thủ 5%, thì nước ta vẫn là điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện ở phản ứng tích cực của NĐT, đặc biệt NĐT nước ngoài trong những ngày qua. Những lo ngại về việc Việt Nam không còn là điểm đến FDI đã biến mất.

Thứ hai, chính sách của ông Donald Trump thực chất tập trung nhiều vào một số ngành hàng mà Mỹ cần bảo hộ như xe hơi, thép và nhôm. Những mặt hàng này không phải là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Thứ ba, thuế quan mới chỉ là thông tin từ phía Mỹ. Việt Nam vẫn chưa công bố thêm, bởi đàm phán vẫn đang tiếp tục diễn ra. Sau khi tuyên bố thỏa thuận về nguyên tắc, Anh và Mỹ phải mất 1 tháng để có thỏa thuận cuối cùng. Việt Nam và Mỹ đang chi tiết hóa thỏa thuận, tương đương với một hiệp định thương mại song phương. Mức thuế cuối cùng nhiều khả năng có thể thấp hơn 20% với những mặt hàng chiến lược của Việt Nam nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ.

Chuyên gia từ Fulbright phân tích và nhắc lại trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia lại nhận thuế quan cao hơn. Ông cũng cho rằng nếu các nước không kết thúc được đàm phán sau thư công bố thuế quan ngày 7/7 từ ông Trump thì có thể sẽ nhận được một mức thuế cao như vậy. Quan điểm của chuyên gia cho rằng các nước sẽ đều giảm được thuế quan, trừ những mặt hàng mà Mỹ muốn bảo hộ.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, đánh giá về tiến trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - liên quan đến chính sách tiền tệ của nhiều NHTW và có chi phối đến tỷ giá, ông cho rằng từ nay đến cuối năm, còn 4 lần họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Thị trường hiện đang đánh giá cao khả năng Fed vẫn chưa hạ lãi suất trong tháng 7 vì hai yếu tố: chưa rõ thuế quan ở mức nào và thị trường lao động Mỹ vẫn rất tốt. Hiện nay, chính sách tiền tệ của Mỹ đang thắt chặt, lãi suất cao nhưng tài khóa lại đang được nới lỏng, đặc biệt sau khi luật ngân sách được thông qua, giúp cắt giảm mạnh thuế thu nhập. Đây được kỳ vọng là cú hích lớn cho cả doanh nghiệp và người dân Mỹ.

Trong khi đó thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, chưa rõ tác động của thuế quan lên lạm phát nên Fed khả năng cao vẫn không cần hạ lãi suất trong tháng 7. Tháng 9, tháng 10 và tháng 12, thị trường đang đặt cược có hai hoặc 3 lần hạ lãi suất. "Chắc chắn sẽ có cắt giảm lãi suất trong quý IV, bởi nền kinh tế Mỹ sẽ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Đây sẽ là cú hích cho thị trường".

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, USD mất giá khoảng 10,6% so với các đồng tiền khác. Tiền đồng (VND) lại mất giá khoảng 2,9% so với USD. 6 tháng cuối năm, chuyên gia dự báo nhiều khả năng các áp lực làm cho tiền đồng mất giá có thể nhẹ đi rất nhiều. Bởi vậy, vẫn có kịch bản tiền đồng không mất giá nữa so với USD. Kịch bản trên phụ thuộc vào việc Fed hạ lãi suất hai lần trong quý 4 và Việt Nam giữ nguyên lãi suất. Kịch bản này có khả năng cao sẽ xảy ra, ông Thành nói.

Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực rất lớn trong việc không được tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng cũng sẽ không hạ lãi suất để ngăn tiền đồng mất giá thêm, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

L.Mỹ