Xử lý nợ xấu: Cần một hành lang pháp lý đồng bộ
Theo chuyên gia, xử lý nợ xấu không thể chỉ trông chờ vào sửa luật, mà cần một hệ thống pháp lý đồng bộ, minh bạch và có cơ chế giám sát hiệu quả.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu tại nhóm các ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng gia tăng, với tổng giá trị vượt 265 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ và hơn 16% so với cuối năm 2024, tương đương mức tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có tới 22/27 ngân hàng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, có tới 14 nhà băng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Con số này phản ánh áp lực tín dụng gia tăng, là minh chứng cho những thách thức về cấu trúc trong phương thức hạch toán và xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Trước bối cảnh trên, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025 đã luật hóa một số cơ chế xử lý nợ quan trọng, trong đó đáng chú ý là quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thay thế vai trò tạm thời của Nghị quyết 42 (vốn đã hết hiệu lực vào cuối năm 2023) nhằm khơi thông ách tắc trong quá trình xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo thu giữ tài sản bảo đảm không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, thanh khoản yếu và giá trị tài sản biến động lớn, việc thu giữ mà không đi kèm với cơ chế xử lý hiệu quả có thể biến chính tài sản đó thành “gánh nặng”. Không ít trường hợp, tài sản thu giữ không thể bán được, hoặc bán với mức giá thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, gây thiệt hại cho cả ngân hàng và người vay. Theo đó, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở việc có quyền thu giữ, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, việc minh bạch hóa quy trình xử lý tài sản bảo đảm, đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đồng thời tăng cường định giá độc lập và cơ chế giám sát bên thứ ba là những điều kiện quan trọng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam nhận định, bản chất hoạt động tín dụng luôn đi kèm rủi ro, nhưng ngân hàng phải có cơ chế sàng lọc khách vay hiệu quả, nhất là trong điều kiện thông tin không cân xứng vốn là nguyên nhân dẫn đến rủi ro đạo đức và lựa chọn ngược, khiến ngân hàng cấp vốn sai đối tượng.
Theo ông Tuấn, tài sản bảo đảm vẫn là công cụ quan trọng để kiểm soát rủi ro, nhưng chỉ phát huy hiệu quả khi có cơ chế xử lý minh bạch, hợp pháp và đủ nhanh chóng. Việc luật hóa quyền xử lý tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng - “power of sale” là bước tiến đáng ghi nhận, giúp ngân hàng xử lý nợ mà không phải qua con đường tòa án vốn kéo dài và tốn kém.
Hiện nay có hai hệ thống pháp luật phổ biến trên thế giới. Ở các quốc gia theo Thông luật (Common Law) như Mỹ, Anh hay Singapore, nếu trong hợp đồng có quy định rõ, ngân hàng có thể chủ động thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm mà không cần thông qua tòa án. Ngược lại, tại các nước theo Dân luật (Civil Law) như Việt Nam, Đức, Nhật Bản, dù đã có điều khoản cụ thể trong hợp đồng, việc xử lý tài sản vẫn bắt buộc phải qua tòa án. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi các bên nhưng cũng đồng thời làm kéo dài quy trình, khiến tài sản bị “đóng băng” và nguồn vốn bị ách tắc.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, dù Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã trao thêm quyền cho ngân hàng, thì việc xử lý tài sản bảo đảm vẫn cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch, có thông báo trước bằng văn bản và thời hạn hợp lý. Điều này không chỉ giúp người vay có cơ hội chủ động trả nợ, tìm đối tác chuyển nhượng, hoặc thương lượng lại khoản vay, mà còn đảm bảo quyền được nhận lại phần chênh lệch nếu giá bán tài sản vượt quá số nợ. Đây là quyền tài sản chính đáng của người vay, không thể mơ hồ trong hợp đồng.
Đồng quan điểm, ông Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP HCM cũng nhấn mạnh, xử lý tài sản bảo đảm tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phức tạp, bởi đây là vấn đề pháp lý mà khi phát sinh tranh chấp, bắt buộc phải xử lý theo đúng trình tự pháp luật.
Ông Phát cho rằng, nhiều người nhầm tưởng việc ngân hàng nhận thế chấp bất động sản là hình thức “nắm chắc phần thắng”. Nhưng thực tế, rủi ro pháp lý rất lớn nếu hợp đồng không được thiết kế rõ ràng về quyền và nghĩa vụ các bên.
“Để xử lý nợ xấu, cần đảm bảo quyền tài sản của người thế chấp, xây dựng quyền lợi bên nhận thế chấp tài sản và sự minh bạch hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng. Không xây dựng hợp đồng như xây dựng bộ luật, mà phải phân loại rõ quyền, nghĩa vụ của các bên”, ông Lê Trung Phát chia sẻ.