Chứng khoán

Ngành chứng khoán: Dự báo lợi nhuận quý II tăng trưởng 45%, quý III sẽ tiếp tục bứt tốc

Lê Mỹ 10/07/2025 04:08

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến những phiên giao dịch vượt mốc 1.400 điểm nhẹ nhàng thời gian gần đây, với dòng tiền vào mạnh mẽ.

Thị trường sôi động và giao dịch tăng là cơ hội ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của các công ty thuộc nhóm ngành chứng khoán.

Động lực của thị trường chứng khoán

Phân tích về triển vọng cổ phiếu ngành chứng khoán, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu VPBankS nhìn nhận, trong một năm vừa qua, cổ phiếu chứng khoán có phần hơi trầm lắng so với vài trò trên thị trường. Tuy nhiên, ở góc nhìn của VPBankS, đây là thời điểm vàng để nhà đầu tư (NĐT) trở lại với cổ phiếu ngành chứng khoán.

Nhà đầu tư được khuyến nghị cơ cấu danh mục và tập trung vào các nhóm ngành ít chịu tác động bởi thuế quan. Ảnh: Quang Định
Nhiều động lực đang hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng. Ảnh: Quang Định

Tính đến cuối năm 2024, vốn hóa thị trường đạt 7,2 triệu tỷ đồng, tương ứng khoảng 62% GDP Việt Nam. Số tài khoản lũy kế là 9,2 triệu tài khoản. Theo quy hoạch phát triển thị trường chứng khoán trong Quyết định 27, đến năm 2025, vốn hóa phần đấu đạt 100% GDP và 120% GDP vào năm 2030. Số lượng tài khoản đạt 9 triệu vào năm 2025 và 11 triệu vào năm 2030. Theo lộ trình trên, vốn hóa thị trường phải đạt tốc độ tăng trưởng kép 13% trong giai đoạn 2025 – 2030 để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra. Để đạt mục tiêu này, cơ quan quản lý sẽ phải thúc đẩy thị trường, tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng chung của toàn ngành.

Ngoài ra, định giá của thị trường vẫn đang hấp dẫn. P/E của thị trường đang giao động trong khoảng 13,7 đến 14 lần, P/B đang dưới 1,8 lần. Với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 15% trong quý II/2025, dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn đang rất lớn.

Từ đầu năm 2024 đến tháng 5/2025, khối ngoại bán ròng mạnh. Nhưng riêng trong tháng 7/2025, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng. Có thể nói, giao dịch khối ngoại đã tạo đáy trong tháng 5 và đang trong xu hướng đi lên rất nhanh.

Động lực rất quan trọng cho thị trường trong 6 tháng cuối năm và nửa đầu 2026 là khả năng nâng hạng. Trong đó, như VPBankS phân tích, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí của FTSE. Các yếu tố như môi trường pháp lý và thị trường đã được cải thiện rất tốt trong năm 2024 – 2025 thông qua Thông tư 68 (gỡ nút thắt về pre-funding), Thông tư 18 (ký quỹ, thanh toán bù trừ), Thông tư 96 (công bố thông tin), Thông tư 03 (tháo gỡ, rút ngắn mở tài khoản NĐT nước ngoài). Những nỗ lực này đã được tổ chức quốc tế đánh giá cao, ông Dương nói.

Chuyên gia của VPBankS thông tin, hiện Việt Nam đang tiếp tục triển khai Nghị định sửa đổi 155 để cải thiện hai yếu tố: làm rõ cơ thế thanh toán bù trừ và thể hiện sự cởi mở trong việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài. Trong những buổi họp báo gần đây, cơ quan quản lý nhà nước cho biết “khá tự tin trong việc làm việc với nhà đầu tư tổ chức”. UBCKNN tin tưởng rằng khả năng cao thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng. Đây là động lực rất quan trọng cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.

Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận

"Nhìn lại lợi nhuận và doanh thu của các công ty chứng khoán trong 10 năm vừa qua, có thể thấy hai chỉ số này đã tăng vọt vào năm 2021. Đến 2024, doanh thu bắt đầu vượt qua đỉnh cũ của năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt trên 27.945 tỷ đồng. So với năm 2021, tính chất lợi nhuận và mô hình hoạt động của các CTCK đã có sự khác biệt rất lớn. Lãi từ cho vay và ứng trước của các công ty chứng khoán trong 12 tháng tính đến quý I/2025 ở mức 23.364 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng kép cao, đóng vai trò rất lớn trong cơ cấu lợi nhuận gộp của các công ty chứng khoán. Đây là một trong những động lực chính để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ổn định toàn ngành, theo ông Đào Hồng Dương.

Thanh khoan CK
Nguồn: VPBankS

Cổ tức và lãi phát sinh từ FVTPL chỉ đạt 5.751 tỷ đồng trong năm 2024, giảm so với năm 2023. Doanh thu này có sự tương quan rất lớn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn chung, thị trường trái phiếu năm 2024 có tăng trưởng so với 2023, nhưng vẫn chưa thể quay lại sự sôi động như năm 2020 – 2021. Tôi tin tưởng rằng đến năm 2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng sẽ có sự bứt phá mạnh hơn trong nửa cuối năm. Dự kiến sẽ có 200.000 tỷ trái phiếu phi ngân hàng được phát hành cuối năm 2025.

Ngoài ra, ông Dương nhận định, hoạt động môi giới của CTCK trong năm 2025 sẽ rất mạnh mẽ nhờ hai chất xúc tác là sự trở lại của khối ngoại và việc TTCK Việt Nam được nâng hạng. Trước đó, vào năm 2021, lợi nhuận gộp của hoạt động mới giới rất cao, đạt 4.754 tỷ đồng. Sau đó, giảm dần do hầu hết các CTCK bắt đầu cuộc đua ưu đãi phí, cao điểm nhất vào năm 2023 với xu hướng “zero fee”, mở đầu mà TCBS, VPS, MBS.

Đến năm 2024, câu chuyện cạnh tranh về giá, phí đã không còn. Các công ty không ưu đãi về phí, mà bóc tách rất rõ ràng. Hầu hết các chương trình ưu đãi về phí giao dịch chỉ hướng đến tăng số lượng tài khoản hoạt động, thay vì mục tiêu dành thị phần. Nhờ đó, sau khi biên lợi nhuận gộp môi giới tạo đáy 19% vào năm 2023, tỷ lệ này đã phục hồi lên 20% vào năm 2024. Dễ dàng thấy những công ty chứng khoán như VPS, VND đang có sự suy giảm về thị phần môi giới. Nhưng đổi lại, lợi nhuận mảng này lại tăng rất mạnh.

Đông lực tiếp theo của thị trường là sự bùng nổ của hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Margin toàn thị trường đang ở mức 280.000 tỷ đồng. Dư nợ 30 công ty chứng khoán có tổng tài sản lớn nhất đang ở mức 263.700 tỷ đồng, tăng rất mạnh. Năm 2021, margin tăng chủ yếu do nhà đầu tư cá nhân, đến 2022 có sự điều chỉnh nhẹ, sau đó lấy lại đà tăng trưởng năm 2023 kéo dài đến quý I/2025. Tỷ lệ vòng quay giá trị giao dịch trên sàn HoSE/dư nợ margin đang có xu hướng giảm về mức khoảng 20 lần, cho thấy các công ty chứng khoán đang mở rộng danh mục margin cho nhiều mã hơn, ngay cả những cổ phiếu có thanh khoản thấp như yếu tố cơ bản tốt. Chúng tôi cho rằng trong năm 2025 – 2026, tăng trưởng margin sẽ có sự phân hóa mạnh. Một số công ty chứng khoán như MBS, KIS, HSC, Mirae Asset đã gần hoặc chạm giới hạn dư nợ cho vay margin gấp 2 vốn chủ sở hữu, khiến dư địa tăng trưởng margin bị hạn chế nếu không nâng vốn chủ sở hữu.

"Dưới những động lực trên, chúng tôi cho rằng ROAA của ngành chứng khoán đang ổn định dần ở mức quanh 4,2%, ít có sự thay đổi khi tài sản tập trung chính vào dư nợ margin, tài sản tài chính có mức độ ổn định cao về trái phiếu, thay vì chênh lệch FVTPL. Tuy nhiên, ROE của CTCK đang có sự biến động nhanh do những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của các CTCK. Những công ty chứng khoán hệ số đòn bẩy cao, tương ứng với hiệu suất sử dụng tài sản cao, sẽ có ROE cao hơn bao gồm: HCM, VND, MBS. Đổi lại ROE cao, các CTCK phải duy trì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao", chuyên gia phân tích.

VPBankS dự báo tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của công ty chứng khoán niêm yết là 3.657 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm 2024. Nếu VN-Index tiếp tục có biến động như dự báo ở phiên trước, tăng trưởng lợi nhuận quý III của ngành chứng khoán có thể mạnh hơn nữa.

Lựa chọn chủ đề nào?

Với nhìn nhận triển vọng tích cực của ngành chứng khoán đi cùng triển vọng thị trường, VPBankS đưa ra ba chủ đề để nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu chứng khoán, tùy theo khẩu vị rủi ro.

Với những NĐT tìm kiếm cổ phiếu với “Hiệu quả kinh doanh luôn duy trì mức cao, tốc độ tăng trưởng ổn định”, kiến nghị cổ phiếu HCM (giá mục tiêu 31.300 đồng, lợi nhuận kỳ vọng 30%) và MBS (giá mục tiêu 31.900 đồng, lợi nhuận kỳ vọng 20%).

Với NĐT chấp nhận rủi ro cao hơn, có thể đầu tư theo chủ đều “Phục hồi từ khó khăn”, kiến nghị cổ phiếu VND, với giá mục tiêu trong kịch bản tốt nhất là 22.700 đồng, lợi nhuận kỳ vọng 35%.

Với NĐT muốn an toàn nhất, tìm kiếm công ty quy mô dẫn đầu, tập trung nâng cao hiệu quả thì SSI sẽ là lựa chọn hàng đầu. Mức định giá dự kiến là 31.500 đồng cổ phiếu, lợi nhuận kỳ vọng 25%.

Lê Mỹ