Thị trường

TP HCM: Bất động sản bán lẻ không ghi nhận nguồn cung mới

Đình Đại 10/07/2025 03:30

Thị trường bất động sản bán lẻ tại TP HCM ghi nhận tình hình hoạt động ổn định trong quý II/2025, không có nguồn cung mới được ra mắt.

batdongsanbanle.jpg
Trong quý II, thị trường bất động sản bán lẻ TP HCM không ghi nhận nguồn cung mới - Ảnh minh họa.

Theo CBRE, thị trường ghi nhận tỷ lệ hấp thụ đạt 5.790 m2, giảm 8% so với quý trước. Con số này tuy không quá lớn do thị trường không có nguồn cung mới, nhưng phản ánh nhu cầu ổn định từ các khách thuê muốn mở rộng hoặc tìm kiếm mặt bằng tốt hơn. Phần lớn diện tích hấp thụ đến từ việc các thương hiệu chuyển đổi vị trí hoặc mở thêm chi nhánh tại các khu vực đông dân cư như Watson, Elmich, Chaufifth, Matsukiyo, KKV,….

Theo thống kê của Cục Thống kê Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của Việt Nam ước đạt hơn 2.613 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu bán lẻ tính riêng tại TP HCM ghi nhận mức tăng tương tự, là 7,9%, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Sức mua nội địa vẫn là động lực chính, được hỗ trợ bởi các chiến dịch kích cầu du lịch và tiêu dùng.

Tại khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình tầng trệt và tầng một ghi nhận ở mức 278,6 USD/m2/tháng, lần lượt tăng 1,6% và 0,1% so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Giá chào thuê ở khu vực ngoài trung tâm ở mức trung bình 52,9 USD/m2/tháng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với quý trước.

“Mức giá này thu hút các thương hiệu tầm trung, chuỗi nhà hàng và các dịch vụ tiện ích hướng tới người lao động và giới trẻ có thu nhập trung bình hoặc cộng đồng dân cư địa phương tại chỗ”, CBRE đánh giá.

Đối với diện tích thuê tại các tầng khác, các chủ đầu tư hiện đang có xu hướng tái cơ cấu khách thuê bằng cách gộp một số ô có diện tích nhỏ, thay thế bằng những khách thuê có diện tích lớn hơn, đặc biệt là các thương hiệu lớn theo mô hình lifestyle nhằm tăng điểm nhấn cho trung tâm thương mại. Đây là một chiến lược thông minh nhằm biến trung tâm thương mại thành một điểm đến "one-stop shop", nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hiệu quả kinh doanh.

bds.jpg
Tình hình hoạt động thị trường bán lẻ TP HCM. Nguồn: CBRE

Cũng theo CBRE, tỷ lệ trống ở khu vực trung tâm vẫn ở mức ổn định là 5,2%, chỉ tăng 0,1 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy sự hấp dẫn và sức cạnh tranh cao của các mặt bằng tại khu vực đắc địa, nơi các thương hiệu sẵn sàng chấp nhận giá thuê cao để có được vị trí tốt nhất. Ở khu vực ngoài trung tâm ghi nhận mức tỷ lệ trống 8,0%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của thị trường bán lẻ TP HCM kể từ cuối 2024 đến nay là sự gia nhập và mở rộng của các nhãn hàng Trung Quốc và xu hướng này vẫn đang diễn ra. Một vài thương hiệu như: Oh!Some, Polarpopo, KKV, BanTianYao, Wayjie liên tục ra mắt và mở rộng trong những tháng vừa qua.

CBRE nhận định, trong 6 tháng cuối năm, TP HCM dự kiến sẽ chào đón khoảng 25.000 m2 diện tích cho thuê mới đến từ khối đế của hai dự án tại khu vực trung tâm.

Theo bà Võ Thị Phương Mai - Giám đốc Bất động sản Bán lẻ của CBRE, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên đa dạng hơn, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn với mức giá cạnh tranh. Việc không có nguồn cung mới cùng với sự gia nhập của các nhãn hàng Trung Quốc đòi hỏi các nhà bán lẻ phải linh hoạt, sáng tạo và không ngừng đổi mới về sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm để duy trì sức hút và giữ chân khách hàng.

Trong khi đó, bà Thanh Phạm - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE cho rằng, hầu hết các thương hiệu bán lẻ mở mới tại TP HCM đều có xu hướng ưu tiên mặt bằng trong trung tâm thương mại với lưu lượng khách mua sắm ổn định. "Tuy nhiên vì người tiêu dùng ngày nay mua sắm thông minh hơn bao giờ hết. Họ sẵn sàng dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu, so sánh giá và săn lùng mọi ưu đãi từ khuyến mãi, mã giảm giá đến điểm thưởng, tất cả nhằm tối ưu hóa chi tiêu", bà Thanh Phạm chia sẻ.

Đồng thời, bà Thanh Phạm cũng cho rằng, các cửa hàng truyền thống cần tăng cường phát triển mạnh mẽ các kênh mua sắm đa kênh (omnichannel) để thích nghi với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng này.

Đình Đại